Yếu nghĩa của Nam mô A-di-đà Phật
A-di-đà là phiên âm chữ Amita, tiếng Sanskrit, dạng viết tắt của hai chữ Amitàbha có nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng và Amitàyus có nghĩa là Vô Lượng Thọ, thọ mệnh vô lượng. Ðây là tên một vị Phật quan trọng được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, tiếng Sanskrit là Sukhàvati, và được nhân gian tin thờ sớm nhất trong lịch sử Phật giáo, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên (1).
DUYÊN HẠC Lê Thái Ất
Phật tử theo Tịnh-Ðộ tông đã tin thờ lan rộng nước Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, coi Ðức A-di-đà là biểu tượng cho Từ Bi và Trí Huệ. Người tu Tịnh-Ðộ tông thường thờ tượng A-di-đà Tam Tôn, ở giữa là Phật Di Ðà, bên phải là Ðại Thế Chí Bồ Tát, bên trái là Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam-mô A-di-đà Phật! Sáu chữ Hồng Danh xưng niệm Phật hiệu đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc và phổ biến rất rộng rãi trong giới Phật tử xuất gia cũng như cư sĩ tại gia. Mức độ thông dụng trong sinh hoạt hàng ngày chứng tỏ lòng tín niệm của Phật tử thể hiện ở câu chào khi gập nhau gồm có bốn chữ A-di-đà Phật!
Về mặt giáo lý, đây là pháp trì danh niệm Phật trong Tịnh-Ðộ tông được tín hành nhiều nhất, ngắn gọn dễ dàng tu tập nhất , thích hợp với tất cả mọi tầng lớp tín đồ không phân biệt thượng, trung hay hạ căn, trí huệ cao hay thấp, nghiệp chướng nặng hay nhẹ, chỉ cần hành giả trì danh nhất tâm tín nguyện, không thối chuyển cho đến khi mệnh chung sẽ được vãng sanh, Phật A-di-đà và thánh chúng tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Phổ biến lan rộng như thế, thông dụng thích hợp với mọi căn duyên chư thế, dễ dàng hành trì tu tập như thế, sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật lại có nội dung thậm thâm vi diệu, đệ nhất thù thắng so với các pháp môn tu tập khác. Ðiều này là mối nghi trong tâm thức của đa số Phật tử có thiên kiến lệch lạc về công năng của pháp niệm A-di-đà cho rằng pháp trì danh này không đạt tới đạo quả bằng pháp tu Thiền Ðịnh và chỉ thích hợp cho người già cả hay kẻ có trình độ trí huệ thấp kém không đủ khả năng theo Thiền Tông hay Mật Tông.
Ðể giải trừ mối nghi thiên lệch này, xin mời ai có nghi tâm lắng nghe Ðức Phật Thích Ca nói trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật: Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ phần Pháp thân … Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm danh Phật là đủ. Vì danh hiệu Phật chính là biểu tượng của Pháp thân, do đó niệm danh hiệu Phật tức là niệm Pháp thân Phật và người niệm Phật khỏi cần phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa.
Trong kinh Ðại Tập Phật dạy: Thời Mạt pháp vạn ức người tu không được một người giải thoát, chỉ nương pháp môn Niệm Phật mới có thể ra khỏi được luân hồi. Phật còn so sánh với pháp môn Thiền Ðịnh: Nếu cầu Vô thượng Bồ-đề nên tu Niệm Phật Thiền Tam Muội… Xưng niệm Phật A-di-đà là Vô thượng thâm diệu Thiền… Trong kinh Bửu Tích Phật thưa với Phụ Vương Tịnh Phạn: Phụ Vương nên niệm danh hiệu của Phật A-di-đà nơi cảnh Tây phương Cực Lạc, tinh tấn chuyên cần thì sẽ thành Phật, vui mừng niệm Phật sẽ được Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Ngoài ra trong nhiều kinh Ðức Phật thuyết về Tịnh Ðộ, ngay cả các kinh về Mật tông cũng nói đến Phật A-di-đà. Một nhận xét chính yếu để giải trừ mối nghi về tu thiền và pháp môn niệm Phật: Tu Thiền mà không được chân truyền rất dễ lạc vào tà kiến, ma đạo thường gọi là Ma Thiền, giống như kiến bò lên núi, mọt đục mắt tre. Do đó tu Thiền cần thêm Niệm Phật, nhiều Thiền sư vẫn chuyên cần niệm Phật. Ðây chính là nguyên do có giải pháp Thiền Tịnh song tu. Mật Tông cũng thờ Phật A-di-đà, xưng là Cam Lộ Vương, sáu chữ Hồng Danh gọi là Cam Lộ chú, Cam Lộ minh.
Nói đến sáu chữ Hồng Danh Nam-mô A-di-đà Phật, nhiều người có tín tâm tu Phật cầu phước đã ngộ nhận đây chỉ là câu niệm Phật cầu xin ân cứu độ, ban phước lộc cho hành giả. Sự thật không đơn thuần giản dị như vậy, càng thâm tín, càng lý giải tường tận, càng hành trì miên mật hành giả mới dần dần tỏ ngộ nội dung ý nghĩa sáu chữ Hồng Danh là vô lượng bất khả tư nghị, ai chứng ngộ mới tỉnh thức được rốt ráo. Trong giới hạn một bài viết, ở đây chỉ trình bầy một số đặc thù của pháp môn Niệm Phật, lấy sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật làm đề tài.
I- GIẢI THÍCH PHÁP MÔN NIỆM PHẬT.
* GIẢI THÍCH THEO TỪ NGỮ. Niệm có nghĩa là nghĩ đến, nhớ đến, giữ lại trong tâm thức, nghĩ đến như ý niệm, khái niệm, quan niệm…, nhớ đến không quên như kỷ niệm, lưu niệm, tưởng niệm… Do đó, niệm Phật là nghĩ tưởng nhớ đến Phật. Từ ngữ Phật ở đây có nghĩa rất rộng bao gồm danh hiệu, sắc thân, pháp thân, ân đức Phật…
Phổ Hiền Ðại Bồ Tát giảng về Lục tự Hồng Danh có vô lượng vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu. Sau đây chỉ là sơ lược yếu chỉ chia làm ba phần:
Phổ Hiền Ðại Bồ Tát giảng về Lục tự Hồng Danh có vô lượng vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu. Sau đây chỉ là sơ lược yếu chỉ chia làm ba phần:
- NAM-MÔ: Phiên âm tiếng Sanskrit Namah, có nghĩa như quy y quyết tâm vâng theo, cung kính và nương theo gửi đời mình cho Phật. Ðây là giai đoạn Thủy Giác có nội dung bao gồm năng niệm, trì giới, diệu quan sát thế gian giới, là bắt đầu đi trên con đường Giác Ngộ.
- A-DI-ÐÀ: Phiên âm tiếng Sanskrit Amita, có nghĩa Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, chỉ Năng lực bất tư nghị của Ðức Di-Ðà. Ðây là giai đoạn Tương tục Giác, có nội dung bao gồm tương tục niệm, thiền định thâm nhập Pháp giới, bình đẳng tánh trí, là liên tiếp trì niệm trên suốt hành trình Giác Ngộ.
- PHẬT: Phiên âm tiếng Sanskrit Buddha, tức Phật-đà nói tắt, có nghĩa là giác ngộ, dứt khỏi luân hồi, giải thoát. Ðây là giai đoạn Bản Giác, có nội dung bao gồm thành tựu sở niệm, trí huệ, là đại viên cảnh trí, vô tận sở hữu trí, viên thành Phật quả.
Nói tóm tắt, ba giai đoạn gồm có Thường, Tịch và Quang.
Niệm Phật là pháp hữu vi tác nghiệp gieo nhân lành gồm cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Khi niệm Phật, hành giả thường đứng hay ngồi ngay ngắn, thái độ trang nghiêm, mắt nhìn thẳng vào hình tượng Phật: Ðó là thân nghiệp. Hành giả nói ở miệng thành lời: Ðó là khẩu nghiệp, từ ngữ xưng niệm diễn tả rõ nghĩa này. Hành giả nghĩ tưởng đến Phật: Ðó là ý nghiệp, từ ngữ tâm niệm diễn tả rõ nghĩa này. Niệm Phật cần phải tín nguyện và nhất tâm thì mới thành tựu được công đức pháp tu này là lúc mệnh chung vãng sanh về nơi Cực Lạc, đạt tới pháp vị Thượng Thiện Nhân, nghĩa là đã thấy Phật.* NIỆM PHẬT LÀ PHÁP TU TỊNH NGHIỆP.
Theo kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Niệm Phật xưng danh A-di-đà với sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật là hành giả nhất tâm chí thành, chuyên cần bất thối, không gián đoạn luôn luôn nghĩ tưởng trong thâm tâm: Pháp thân, Hóa thân và Báo thân của Ðức Phật A-di-đà đang hiện ra trong thân và tâm của mình, và danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật đang tuôn chảy thành một dòng tâm, lâu ngày sẽ thành một khối lưu ly sáng rực… Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật. Hành giả sẽ dứt hết nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên Thanh Tịnh, chỉ còn nghiệp ở hiện tại.
Cần lưu tâm điều thiết yếu: Ðạt tới thân tâm Thanh Tịnh, nói cách khác là siêu thăng Tịnh Ðộ, vãng sanh về cõi Tịnh Ðộ của một vị Phật, mỗi vị Phật có một cõi Tịnh Ðộ, vô số Phật có vô số cõi Tịnh Ðộ. Cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A-di-đà mang tên Tây phương Tịnh Ðộ, Tây phương Cực Lạc, hay nói tắt là cõi Cực Lạc.
Siêu thăng Tịnh Ðộ chưa phải là Nhập Diệt Niết Bàn, chưa phải là Tịch Diệt, chưa phải là Vô Sanh, Liễu sanh thoát tử, tóm lại chưa phải là Giải thoát khỏi luân hồi. Lý do: Sau khi được Phật A-di-đà tiếp dẫn khi mệnh chung vãng sanh về nơi Cực Lạc, hành giả đã dứt hết nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên Thanh Tịnh an trụ ở cương vị Thượng Thiện Nhân. Hành giả chưa chứng nhập Tịch Diệt vì vẫn còn tiếp tục tạo nghiệp, nghĩa là còn tiếp tục gieo nhân, chuyển hóa theo lý luân hồi nghiệp báo. Vì vậy hành giả vẫn tiếp tục hành trì niệm Phật miên mật bất thối. Với thân tâm Thanh Tịnh đã đạt tới, lại ở nơi thường gập Thánh chúng Bồ Tát và chư Phật, hành giả có sẵn phước duyên dễ dàng nhanh chóng chứng đắc Phật quả.
Kinh Niệm Phật Ba-la-mật dẫn giải: Niệm Phật Ba-la-mật là nhiếp thọ hào quang do Phật A-di-đà phóng ra. Cây cỏ, chúng sanh cũng đều có hào quang nhưng bị lu mờ vì vô minh. Khi niệm Phật, hai hào quang của Phật và chúng sanh dung thông nhau, lập tức Ðức A-di-đà nhiếp thọ, và ngay lúc đó ở cõi Cực Lạc thấy mọc lên một mầm sen của chúng sanh Niệm Phật… Hai hào quang dung thông phóng ra làm cho ác ma xa lánh 40 dậm và sen của hành giả sẽ được tươi tốt.
Niệm Phật Ba-la-mật là rốt ráo nhất tâm tín nguyện, niệm sao cho không còn có một vọng tưởng nào đến quấy đảo tâm thanh tịnh của hành giả. Hoa sen có tánh đặc thù là sống trong bùn mà không nhiễm mùi bùn, vẫn giữ được hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát.
Trong Phật học, hoa sen là biểu tượng của tâm Thanh Tịnh do hào quang của Phật A-di-đà nhiếp thọ tiếp dẫn đem về nuôi trong ao Thất Bảo (2) có nước thanh tịnh gọi là Tịnh thủy. Kể từ khi được nuôi bằng Tịnh thủy, hành giả vẫn tiếp tục hành trì Niệm Phật miên mật bất thối để hoa sen tiếp tục nở cho đến lúc mãn khai. Khi hoa sen mãn khai, hành giả đắc pháp vị A-duy-việt trí Bồ Tát, có đủ phép thần thông, có khả năng thuyết pháp độ sanh như chư Phật, chỉ chờ thời kỳ khế hợp thì đi làm Phật.
Theo từ ngữ, A-duy-việt trí là Trí bất thối chuyển, viên mãn Phật quả, nghiệp chướng được tẩy sạch, giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Khi hoa sen chưa đến độ mãn khai trong ao Thất Bảo, nếu hành giả không giữ được tâm bất thối chuyển, hoa sen sẽ tàn héo. Ðây là trường hợp đáng tiếc, hành giả hết còn duyên với Phật A-di-đà!
Nói cụ thể hơn, sau khi đươc vãng sanh về Tây phương Cực Lạc, hành giả vui hưởng quả phúc nơi Tịnh Ðộ thường sanh tâm luyến chấp lạc cảnh nơi này, tâm luyến cảnh không còn thanh tịnh rốt ráo, nhất tâm Niệm Phật như trước. Người khéo tu cần nhớ nhập tâm: Vãng sanh Cực Lạc chỉ mới là giai đoạn Tịnh hoá thân tâm, cần tiếp tục hành trì phát tâm cứu độ chúng sanh mới đạt tới cứu cánh giải thoát. Diệt đươc Khổ nhưng lại chấp thủ Lạc thì chưa ra khỏi được Luân hồi sanh tử.
II. NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ CỦA DANH HIỆU PHẬT.
Trong số tám vạn bốn ngàn pháp tu chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, cứu cánh đệ nhất, hữu hiệu và siêu việt nhất. Ðó là lời dạy của Ðức Thích Ca. Sự Nhất Tâm Niệm Phật bao gồm cả hai phần Sự và Lý:
-Nhất tâm về Sự là không trụ vào một niệm nào khác,
-Nhất tâm về Lý là thể nhập vào thực tướng của Phật, hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai và tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh.
Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật. Nhờ xưng niệm sáu chữ Hồng Danh, hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản thể thực chất của chúng, không còn bị chúng chi phối, do đó điều phục thân tâm và không còn móng khởi tâm phân biệt.
Trong khi niệm Phật, nếu gập bất cứ thanh trần nào cũng đừng để tâm vào, cứ tiếp tục niệm Phật. Ðó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi sát na đều hiển hiện Chân Như Tánh…Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn. Thuật ngữ Phật học gọi là VONG SỞ, có nghĩa không còn nghe thấy tiếng mình niệm Phật. Cũng nói là Niệm, vô niệm, niệm khi không còn phân biệt năng niệm với sở niệm nữa. Ðó là khi hành giả đã chứng ngộ ngũ uẩn là không, ngã kiến ngã chấp bị lọc sạch, thân tâm trở nên quang minh thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Nói cách khác, Tri Kiến Giác Ngộ của hành giả trở nên đồng đẳng với Tri Kiến Giác Ngộ của chư Như Lai.
Chúng sanh vô minh vì lý do chấp ngũ uẩn làm thân và tâm thật của mình. Năng lực nhiệm màu của pháp môn Niệm Phật chuyển hóa dần dần VÔ MINH thành VIÊN GIÁC theo tiến trình: Biết tất cả các pháp đều như huyễn, nhất thiết pháp giai không. Biết là huyễn, là không tất sẽ ly. Ly huyễn tức là Giác. Danh hiệu Phật hòa tan căn, trần, thức và tất cả đều nhập vào Viên Giác Tánh, cũng gọi là Hư Không Tạng, Vô Cấu Tạng, Tịch Tịnh Tạng. Hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai, tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh. Nói vắn tắt: Niệm sanh Tịnh, Tịnh sanh Ðịnh và Ðịnh sanh Huệ.
Tuệ Giác Không Tánh đạt tới mức hết sức Thanh Tịnh, gọi là Vô Cấu Thức hay Bạch Tịnh Thức, tiếng Sanskrit là A-mạt-la thức (thức thứ 9, cao hơn A-lại-da thức). Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ðức Thích Ca bảo: Này A-Nan! Ðức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng bằng! (3)
III - NIỆM PHẬT TÔNG YẾU.
Niệm Phật là Pháp Môn Tha Lực duy nhất trong Phật Pháp mà điểm then chốt là tin tưởng tuyệt đối vào Bổn Nguyện của Ðức Phật A-di-đà. Ðó là dùng DANH HIỆU của ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Không hiểu tường tận ý này, nhiều người nhất là hàng cư sĩ tại gia thường cho rằng Niệm Phật Xưng Danh là pháp môn dành cho hạng hạ căn không đủ căn cơ để tu những pháp môn về Thiền Quán như Quán Thật Tướng, Quán Tưởng, Quán Tượng, v…v… Hơn nữa khi tu Niệm Phật phần đông mang tâm niệm TỰ LỰC, trông cậy vào sức mình để được vãng sanh. Ðây chỉ là Tự Lực Niệm Phật.
Pháp Nhiên Thượng Nhân (1133-1212), tên Nhật là Honen, Khai Tổ của Tịnh Ðộ Tông Nhật Bản (4) nhận định tông yếu của pháp môn Tha Lực Niệm Phật. Tác phẩm quan trọng nhất Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập được coi như một áng linh văn bất hủ về Tịnh Ðộ có những điểm then chốt như sau:
1-Thánh Ðạo Môn gồm các pháp môn ngoài Tịnh Ðộ Tông tuy thâm diệu nhưng thời điểm và căn cơ chẳng tương ứng. Tịnh Ðộ Môn hình như nông cạn nhưng thời điểm và căn cơ đều tương ứng.
Thời Mạt Pháp một vạn năm, các kinh điển khác đều tiêu diệt, chỉ còn pháp môn Di Ðà để cứu độ chúng sanh.
2-Tông Tịnh Ðộ siêu hơn các tông. Hạnh Niệm Phật siêu hơn các hạnh. Lý do vì thâu nhiếp tất cả các căn cơ.
3- Chẳng kể có tội hay vô tội, trì giới hay phá giới, tại gia hay xuất gia, thiện hay ác, trong các tiền kiếp có phúc căn hay tội căn, hữu trí hay vô trí, nếu căn cứ vào thời điểm và căn cơ thì chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ, Hạnh Niệm Phật là yếu pháp thoát khỏi sanh tử trong đời này.
4-Quang minh của Ðức A-di-đà chỉ soi chiếu người Niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác.
5-Trụ vào cái Tâm Tha Lực (Nguyện Lực của Ðức Di-Ðà) mà Niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc sẽ được vào sự lai nghinh của Ðức Phật A-di-đà.
Ðiều 18 trong số 48 Ðại nguyện của Ðức Phật A-di-đà: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tín mộ muốn sanh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thời tôi không ở ngôi Chánh Giác, trừ kẻ tội tạo ngũ nghịch cùng hủy báng Chánh pháp.
Ðiều 19 bổ sung trường hợp phát Bồ-đề tâm: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ-đề tâm tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi, lúc thọ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mắt họ. Nếu không như vậy, tôi chẳng lấy ngôi Chánh Giác.
6- Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức, đã lấy KHÔNG HÌNH THỨC làm hình thức. Chỉ cần biết rằng thường Niệm Phật, Chí tâm niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sanh sang cõi Cực Lạc.
7- Nếu thường xưng danh hiệu thì do công đức của Phật danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp tự điều, nguyện tâm tự phát.
8- Trong nhãn quan của Pháp Nhiên thì:
-Tam tâm (chỉ Thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
-Ngũ Niệm (Lễ bái, Xưng tán,Phát nguyện, Quán sát, Hồi hướng) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
-Tứ Tu (Cung kính tu, Vô dư tu, Vô gián tu, Trường thời tu) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
9- Người lười biếng Niệm Phật là kẻ đánh mất đi vô lượng châu báu. Người siêng năng Niệm Phật là kẻ khai mở ra vô biên sáng suốt. Nên dùng cái tâm NƯƠNG PHẬT LỰC, cầu vãng sanh mà tương tục Niệm Phật.
10- Nghe nói một niệm, mười niệm cũng được vãng sanh rồi lơ là việc Niệm Phật: Ðó là TÍN chướng ngại HẠNH. Nghe nói niệm niệm chẳng rời rồi nghĩ rằng một niệm vãng sanh bất định: Ðó là HẠNH chướng ngại TÍN. Tin thì một niệm cũng vãng sanh, mà hành thì siêng năng xưng niệm suốt đời. Vãng sanh mà nghĩ rằng nhất định thì NHẤT ÐỊNH, nếu nghĩ rằng bất định thì BẤT ÐỊNH!
11- Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sanh mà Niệm Phật. Ðó là Tha Lực Niệm Phật. Tin rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sanh là điều sai lầm rất lớn. Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà được vãng sanh mới là Ý CHÁNH của bổn nguyện của Phật A-di-đà.
12- Tuy được nghe Danh Hiệu mà không tin thì cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không xưng niệm thì cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng Niệm Phật, không chút nghi ngờ.
13- Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, không phải lúc lâm chung cần phải có chánh niệm thì mới được Phật lai nghinh.
14- Tất cả Phật pháp nhằm chế phục điều ác. Vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được nên khuyên Niệm Phật để diệt tội. Hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn.
15- Người tu Tịnh Ðộ trước hết cần biết hai điều:
-Vì người có duyên, dù phải bỏ thân mạng, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Ðộ.
-Vì sự vãng sanh của chính mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm Phật.
Ngoài hai điều trên, không nên tính toán gì khác. Tất cả mọi việc trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm Phật, hễ gây chướng ngại thì nên từ bỏ.
16- Thánh Ðạo Môn (các tông phái khác) đều tu cái NHÂN của tam thừa, tứ thừa để được cái QUẢ của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh Niệm Phật vì lý do mục đích khác nhau. Còn trong Tịnh Ðộ Môn thì các hạnh (đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng…) và hạnh Niệm Phật đều là NHÂN để vãng sanh nên có thể so sánh với nhau.
Nhưng các hạnh khác đều chẳng phải là Di Ðà Bổn Nguyện, do đó quang minh của Ðức Di Ðà chẳng thu nhiếp, mà Ðức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế, Thiền Ðạo Ðại Sư (5) có dạy: Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng so với Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh được.
17- Muốn mau lìa sanh tử, trong hai loại thắng pháp hãy bỏ qua Thánh Ðạo Môn mà theo TỊNH ÐỘ MÔN.
Trong các pháp Tịnh Ðộ Môn có hai hạng Chánh và Tạp, hãy bỏ qua các Tạp hạnh mà quay về theo CHÁNH HẠNH.
Trong phạm vi Chánh Hạnh có hai phần Chánh Ðịnh và Trợ Nghiệp, chớ theo Trợ Nghiệp mà chuyên tu CHÁNH ÐỊNH, tức XƯNG NIỆM PHẬT DANH nương theo BỔN NGUYỆN DI-ÐÀ thì tất nhiên được vãng sanh. Niệm Phật là việc mình làm, tiếp dẫn vãng sanh là việc Phật làm, hai việc hữu duyên tương ứng là năng lực bất tư nghị của Danh hiệu Phật. Thâm tín trì niệm là đủ, không còn nghi ngờ tính toán gì khác.
18- Năm điều quyết định sự vãng sanh:
- Bổn Nguyện của Ðức Di-Ðà.
- Lời dạy xác minh của Ðức Thích Ca.
- Sự chứng minh của Chư Phật.
- Giáo thích của Tổ Thiện Ðạo.
- Tín tâm của người Niệm Phật.
19- Di Ðà Bổn Nguyện phát ra không phải chú trọng đến hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sanh tử, mà chính vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để tự giải thoát. Tuy nhiên hạng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào THA LỰC NIỆM PHẬT mà được vãng sanh. Di-Ðà Bổn Nguyện không có sự phân biệt, tất cả đều bình đẳng như nhau.
20- Tu Thánh Ðạo Môn thì cần trí huệ tột cùng để lìa sanh tử. Tu Tịnh Ðộ Môn thì trở lại ngu si để được vãng sanh, chẳng dựa vào trí huệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần tu tâm dưỡng tánh, mà chỉ cần tự thấy mình là người vô năng vô trí, cần nương vào Bổn Nguyện Di-Ðà mà Niệm Phật để được vãng sanh.
Thâm tín và hành trì như trên, lúc lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường đã thường xuyên xưng danh tích lũy công đức thì dù cho lúc lâm chung vì lý do nào đó tâm vọng động tán loạn bất định không xưng được Phật danh, hành giả vẫn được quyết định vãng sanh.
Giáo pháp tuy vô lượng nhưng xét đến chỗ cương yếu thì Tha Lực Ðốn Giáo thù thắng hơn cả. Tổ Huệ Viễn (334-416), Sơ Tổ của Tịnh-Ðộ Tông Trung Hoa, một cao tăng đầu tiên nhấn mạnh đến sự quan trọng của Thiền Ðịnh có xác nhận: Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao lại dễ tu thì Niệm Phật lại hơn cả.
21- Nương tựa Bổn Nguyện Di-Ðà không phải là quán tưởng trong tâm, mà là XƯNG NIỆM DANH HIỆU, đừng trụ tâm ở quán tưởng mà cần xưng danh ra tiếng.
Xưng danh là CHÁNH NHÂN quyết định vãng sanh. Ngoài xưng danh ra không có gì quyết định vãng sanh như chánh hạnh, chánh nghiệp, trí huệ…
22- Quyết định quy kết của Pháp Nhiên Thượng Nhân: Sống thì Niệm Phật tích lũy công đức, Chết thì vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Không có gì trong đời này làm bận tâm nữa.
KHAI THỊ VÀ DI HUẤN CỦA PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN ÐỂ LẠI CHO ÐỆ TỬ LÚC LÂM CHUNG:
Thày mấy chục năm nay, công phu Niệm Phật tích lũy, được bái kiến Cực Lạc Trang Nghiêm và Chân Thân của Phật, Bồ Tát là việc bình thường, nhưng thày giữ kín không nói ra. Nay đã đến lúc tối hậu nên mới bày tỏ đôi chút …
Hai ngày trước khi vãng sanh, Ngài Pháp Nhiên lấy bút viết bản di huấn tối hậu:
Chẳng phải là Niệm Phật theo lối quán niệm mà các bậc trí giả Trung hoa, Nhật Bản thường nói đến;
Cũng chẳng phải là Niệm Phật theo lối phải thâm nhập kinh tạng để thấu hiểu thâm nghĩa của Niệm Phật.
Chỉ nghĩ rằng: Ðể vãng sanh Cực Lạc thì xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật là quyết định vãng sanh, không nghi ngờ mà xưng niệm. Ngoài ra, không có thâm áo gì khác.
Bởi vì điều gọi là Tam Tâm, Tứ Tu đều đã quyết định bao hàm trong tưởng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, quyết định vãng sanh (Xin xem lại số 8 đã nói ở trên).
Ngoài đó ra, nếu có gì thâm áo khác là ở ngoài lòng từ mẫn của hai Ðấng Từ Tôn (Phật Thích Ca và Phật A-di-đà), lọt khỏi bổn nguyện.
Người muốn tin Niệm Phật thì dù cho có thể học hết giáo pháp một đời của Ðức Thích Ca cũng thành ra kẻ một chữ chẳng biết, ngu độn như hạng vô trí, chớ hiện ra vẻ trí giả, hãy một mực Niệm Phật.
Tôi in vào đây cả hai bàn tay của tôi để xác nhận di huấn này… Không còn gì để nói nữa, tôi đã viết hết những điều cốt tủy ở đây để ngăn ngừa những dị kiến sau khi tôi ra đi.
KẾT LUẬN
KẾT LUẬN
Ðọc đến đây, chắc có nhiều bạn chưa tin hẳn vào NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ của NIỆM PHẬT đã trình bày ở trên, lý do rất dễ hiểu: Hạnh tu gì đơn giản, dễ dàng đến người già trẻ con đều làm được mà lại có năng lực thâm mật vi diệu đến thế? Ðể giải trừ nỗi vương vấn phân vân, một ẩn dụ dẫn giải tường tận và chính xác giúp các bạn NHẤT THIẾT GIỮ TÍN TÂM TUYỆT ÐỐI đối với sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật:
Nếu cùng đi trên con đường gồ ghề có nhiều lối rẽ như băng qua rừng núi thì một người sáng mắt khoẻ chân mới có thể nhất định đi đến đích, một người mù què chân đi phải chống nạng tất nhiên là không thể so sánh được. Ðấy là cả hai người đều dùng TỰ LỰC để di chuyển. Nếu cùng dùng đường hàng hải hay đường hàng không thì cả hai người đến tới đích cùng một lúc, nhanh chóng và dễ dàng như nhau. Ðây là cả hai người đều dùng THA LỰC để di chuyển.
Kẻ cầm bút thiết tha xin các bạn đã vững tín tâm và hành trì Niệm Phật hãy phổ biến tài liệu này đến các bạn đồng đạo còn vương vấn chút nghi ngờ về ƠN CỨU ÐỘ vô lượng vô biên của Bổn Nguyện Di-Ðà. Ðó là pháp duyên gieo Nhân lành, tích lũy Công Ðức, xin chớ bỏ qua.
Ai tự nhận thấy mình là người mù què, hãy xưng niệm ngay NAM MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT! Ðức A-di-đà sẽ đến đón vãng sanh với lòng thương xót.
Ai tự nhận thấy mình là người sáng suốt khỏe chân, cũng xưng niệm ngay NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT! Ðức A-di-đà cũng sẽ đến đón vãng sanh với lòng hoan hỷ.
Ai tự nhận thấy mình không thuộc một trong hai hạng người vừa kể trên thì người đó không hiểu biết chút gì về Bổn Nguyện Di-Ðà, đã tự đánh mất cả một kho báu vô giá mà Phật đã ban cho tất cả mọi chúng sanh một cách đồng đều, không bỏ sót bất cứ ai.
DUYÊN HẠC Lê Thái Ất
CHÚ THÍCH:
1- Phật A-di-đà: Tiền thân hai vị Phật Ðức A-di-đà và Ðức Thích Ca cùng với 14 vị Phật khác đều là anh em ruột, phụ vương là Ðức Phật Ðại Thông Trí Thắng (Mahabhidjadjnnabhikhu). Tất cả 16 vị vương tử đều theo cha xuất gia, thọ trì Bồ Tát Ðạo và được cha truyền cho quả Phật.
Tịnh-Ðộ, tiếng Sanskrit Buddhaksetra có nghĩa là Phật độ, nơi Thanh Tịnh, cõi Phật, nơi cuối cùng cần đạt tới, sau đó mới tiến tới chứng nhập Niết Bàn. Mỗi vị Phật có một cõi Tịnh-Ðộ. Cõi Tịnh-Ðộ của Ðức A-di-đà gọi là Tây phương Tịnh Ðộ, Tây phương Cực Lạc, cõi Cực Lạc. Cõi Tịnh-Ðộ của Ðức Thích Ca là Tịnh Ðộ phương Ðông Bắc, và theo Kinh Ðại Bát Niết Bàn cõi này mang tên cõi Vô Thắng Tịnh Ðộ. Ðức Phật Di-Lặc, vị Phật tương lai hiện đang giáo hóa ở cõi Trời Ðâu-Xuất sẽ tạo ra một Tịnh-Ðộ mới.
2- Ao Thất Bảo: Ao có nước Tịnh Thủy để rửa sạch mọi phiền não, trong đó có bảy vật báu biểu tượng cho Tâm Thanh Tịnh rốt ráo ở cõi Cực Lạc. Lục Tổ Huệ Năng giảng trong Pháp Bảo Ðàn kinh: Thất Bảo tiêu biểu cho bẩy Ðại Hạnh gồm có KIM (Giới), NGÂN (Tín), LƯU LY (Văn), PHA-LÊ (Tâm), XÀ CỪ (Tinh Tấn) XÍCH CHÂU (Huệ) và MÃ NÃO ( Xả). Ðây là Thất Thánh Tài tức tài sản của Chư Thánh dùng để nuôi dưỡng Chân Tâm người trì niệm.
3- Danh hiệu của đức A-di-đà: Trong Kinh Vô Lượng Thọ , Ðức Thích Ca bảo A-Nan: Này A-Nan! Ðức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng bằng. Kinh Vô Lượng Thọ nói Ðức A-di-đà có 13 Phật danh, ngoài tên Vô Lượng Thọ Phật còn 12 tên khác đều có chữ QUANG ở sau, có nghĩa là ánh sáng chứng tỏ oai thần quang minh của Ðức A-di-đà có đặc tính tối tôn đệ nhất:
1- Vô Lượng Quang Phật
2- Vô Biên Quang Phật
3- Vô Ngại Quang Phật
4- Vô Ðối Quang Phật
5- Diệm Vương Quang Phật
6- Thanh Tịnh Quang Phật
7- Hoan Hỷ Quang Phật
8- Trí Huệ Quang Phật
9- Bất Ðoạn Quang Phật
10- Nan Tư Quang Phật
11- Vô Xứng Quang Phật
12- Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật
2- Vô Biên Quang Phật
3- Vô Ngại Quang Phật
4- Vô Ðối Quang Phật
5- Diệm Vương Quang Phật
6- Thanh Tịnh Quang Phật
7- Hoan Hỷ Quang Phật
8- Trí Huệ Quang Phật
9- Bất Ðoạn Quang Phật
10- Nan Tư Quang Phật
11- Vô Xứng Quang Phật
12- Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật
4- Pháp-Nhiên Thượng Nhân (1133-1212), tên Nhật là Honen, Khai Tổ của Tịnh-Ðộ Tông Nhật Bản. Tiểu sử của ngài cho biết ngài đã mãn nghiệp thế gian đúng như Chánh Nghiệp: Làm con một vị quan đến ngoại tứ tuần vẫn chưa có con nối dõi, Ngài ra đời sau khi cha mẹ vào chùa tụng kinh bẩy ngày đêm xin Phật gia hộ. Khi Ngài đản sinh có hai luồng hào quang ở trên không chiếu xuống, tiếng chuông ngân vang. Ngài có tướng mạo phi phàm từ thuở sơ sinh.
Khi Ngài chín tuổi, phụ thân bị địch quân sát hại. Lúc lâm chung, vị quan thất thế kêu Ngài đến dạy: Ðây là túc nghiệp của cha, tuyệt đối không nên ôm hận báo thù. Hãy nhớ rằng oán không thể diệt được oán!… Sau này thành nhân, con hãy cầu vãng sanh Cực Lạc, lợi lạc bình đẳng cho người và cho mình.
Năm 14 tuổi, tuân theo lời cha dạy Ngài xuất gia với Pháp sư Giác Quán ở chùa Bồ Ðề tại quê nhà. Pháp sư Giác Quán thấy Ngài thông tuệ khác thường liền đưa Ngài đến một tu viện nổi tiếng ở kinh đô để tham học với Pháp sư Nguyên Quang. Không bao lâu Pháp sư Nguyên Quang lại tiến cử Ngài tham học với Tổ Hoàng Viên Tông Thiên Thai thời đó. Thu nhận Ngài làm đệ tử chưa đầy ba năm, Tổ Hoàng Viên thấy Ngài đã thấu triệt tất cả những áo diệu của Giáo Pháp Thiên Thai có ý muốn truyền Tổ vị cho Ngài. Nhận thấy ở Nhật Bản thời đó một chức sắc trong giáo quyền được hưởng rất nhiều quyền lợi, vì không muốn bị ràng buộc lợi danh Ngài ra đi vào năm 18 tuổi đến ẩn tu ở núi Hắc Cốc, tham học với Hòa Thượng Duệ Không, một vị cao tăng của Mật Tông thời bấy giờ. Hòa Thượng Duệ Không đặt pháp hiệu cho Ngài là PHÁP NHIÊN, có nghĩa Pháp vốn Như Vậy và pháp danh là NGUYÊN KHÔNG, ghép chữ đầu và chữ cuối ở tên của hai vị Ðại Sư Nguyên Quang và Ðại Sư Duệ Không mà Ngài thọ huấn. Tại đây Ngài được truyền thụ Viên Thừa Ðại Giới và Du Già Bí Pháp. Ngài tinh thông mọi Tông phái, duyệt đọc 5 lần Ðại Tạng nên được đương thời tôn xưng là Trí Huệ Ðệ Nhất.
Về Giáo Pháp, dưới nhãn quan của Ngài thì Xưng Danh Niệm Phật vừa là Chánh Hạnh, Chánh Nhân và Chánh Nghiệp trong đời sống thế gian. Lưu ý tại Nhật Bản có hai Tông phái dễ gây ngộ nhận: Tịnh-Ðộ Tông, tiếng Nhật là Jodo-shu, Khai Tổ là Pháp Nhiên và Tịnh-Ðộ Chân Tông, tiếng Nhật là Jodo- Shinshu, về sau do Thân Loan đệ tử của Khai Tổ Pháp Nhiên biến thái lập riêng ra.
5- Thiện Ðạo Ðại Sư theo truyền thuyết của Trung Hoa là Hóa thân của Phật A-di-đà.
Theo chuaphuclam.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét