Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Chiêm bao và ý nghĩa liên quan

Chiêm bao và ý nghĩa liên quan
Đại sư K. SR. DHAMMANADA - VƯƠNG MỘNG GIÁC dịch  
Phật giáo cần nói gì về những giấc mộng? Giống như một nền văn hóa khác, trong giới tín đồ Phật giáo cũng có những người tự xưng là giỏi về chuyện giải thích giấc mộng. Hạng người đó đã làm lạc lối những kẻ cả tin bằng cách khai thác sự thiếu hiểu biết của họ vốn cho rằng mỗi giấc mộng đều có một ý nghĩa tâm linh hay tiên tri.

“Đời chỉ là một giấc mộng”
Một trong vấn đề bí ẩn của nhân loại chưa được giải đáp của nhân loại là chiêm bao và ý nghĩa của nó. Từ thời thượng cổ, con người đã cố gắng phân tích và tiên đoán những giấc mộng cũng như giải thích chúng theo nghĩa tâm lý học; nhưng cho đến gần đây, với một vài thành công ở mức độ nhất định, người ta vẫn chưa tìm ra giải đáp thỏa đáng cho vấn đề khúc mắc “chiêm bao là gì?”.
Thi hào theo trường phái lãng mạn của Anh Quốc, William Wordsworth đã có một quan niệm đáng chú ý, là cuộc đời mà ta đang sống đây chỉ là một giấc mộng và chúng ta sẽ “thức tỉnh” để trở về với thực tại “thật sự” khi ta chết, khi “giấc mộng” của ta chấm dứt.
Ra đời trong giấc thụy miên:
Linh hồn định mệnh tại miền xa xăm,
Xác còn quên phận nhiều năm,
Hồn về dựng dậy một lần tinh anh”.
Một quan niệm tương tự được tìm thấy trong một câu chuyện cổ tích của Phật giáo kể rằng một thiên thần đang vui chơi với các thiên thần khác bỗng cảm thấy mệt rồi nằm xuống ngủ một lát rồi qua đời luôn. Ông thác sinh thành một cô gái trên trần gian. Tại đây, cô đã lập gia đình, sinh vài đứa con và sống rất lâu. Rồi lại chết, cô đầu thai thành một thiên thần giữa những thiên thần bằng hữu khi họ mới vừa xong cuộc vui chơi nói trên. Câu chuyện này cũng cho thấy tính tương đối của thời gian, nghĩa là khái niệm về thời gian trong cõi nhân sinh thì rất khác biệt với thời gian trong cõi tồn sinh khác.
Phật giáo cần nói gì về nhữn giấc mộng? Giống như một nền văn hóa khác, trong giới tín đồ Phật giáo cũng có những người tự xưng là giỏi về chuyện giải thích giấc mộng. Hạng người đó đã làm lạc lối những kẻ cả tin bằng cách khai thác sự thiếu hiểu biết của họ vốn cho rằng mỗi giấc mộng đều có một ý nghĩa tâm linh hay tiên tri.
Theo tâm lý học Phật giáo, chêm bao là các tiến trình quan niệm xảy ra như là những hoạt động của trí não. Khảo sát sự xuất hiện của giấc mộng, người ta thấy rằng khi ngủ con người trải qua một tiến trình gồm 5 giai đoạn:
1. Buồn ngủ
2. Ngủ không sâu
3. Ngủ sâu
4. Ngủ không sâu, và
5. Tỉnh giấc.
Ý nghĩa và nguyên nhân của giấc mộng là một trong những chủ đề của cuộc thảo luận được trình bày trong Milinda  Panha hay Di-lan-đà vắn kinh, có lẽ đã đặt ra vào đời vào khoảng năm 150 trước Tây lịch, trong đó Đại đức Na-tiên đã nói rõ ràng có sáu nguyên nhân gây ra chiêm bao, với ba nguyên nhân mang tính hữu cơ là hơi thở, dịch mật và dịch đàm. Nguyên nhân thứ tư là do sự can thiệp của các lực siêu nhiên; thứ năm là do sự sống lại những kinh nghiệm trong quá khứ, và thứ sáu, ảnh hưởng của những biến cố tương lai.
Điều cần mô tả một cách dứt khoát là chiêm bao chỉ xảy ra trong những giấc ngủ không sâu, giống như giấc ngủ của khỉ vượn. Trong sáu nguyên nhân trên, Đại đức Na-tiên đã khẳng định rằng nguyên nhân cuối cùng, tức là những giấc mộng mang tính tiên tri, tạo ra những giấc mộng duy nhât gọi là quan trọng, còn những loại mộng mị khác thì tương đối không đáng kể.
Chiêm bao là những hiện tượng và hoạt động của trí não. Toàn thể nhân loại đều chiêm bao mặc dù có người không nhớ được giấc mộng của mình. Phật giáo dạy rằng một số giấc mộng có ý nghĩa tâm lý. Sáu nguyên nhân nêu trên cũng có thể được phân loại theo cách sau đây:
1. Mọi tư tưởng khi sinh ra đều được tàng trữ trong tiềm thức và một số tư tưởng có ảnh hưởng mạnh mẽ trở lại đến trí não tùy vào sự lo âu tư lự của chúng ta. Khi chúng ta ngủ, những tư tưởng này được kích hoạt và hiện ra như những “bức tranh” chuyển động. Điều này xảy ra bởi vì, trong khi ngủ, năm giác quan cấu thành sự tiếp xúc của chúng ta với thế giới bên ngoài bị tạm thời đình chỉ hoạt động. Khi đó, tiềm thức được tự do, trở thành kẻ thống trị và cho diễn lại những tư tưởng được tàng trữ. Những giấc mộng này có thể có giá trị cho khoa tâm thần học nhưng không  thể được xem vào loại mang tính tiên tri. Chúng chỉ là những phản ảnh của trí não khi nghỉ ngơi.
2. Loại chiêm bao thứ hai cũng không có ý nghĩa gì. Loại này xảy ra do sự gây hấn bên trong và bên ngoài, làm nổi lên một chuỗi các tư tưởng “khả thị” mà trí não “nhìn thấy” được khi nghỉ ngơi. Các nhân tố bên trong là những thứ làm phiền nhiễu cơ thể, chẳng hạn một bữa ăn nhiều dầu mỡ làm cho đương sự không thể có một giấc ngủ yên tĩnh, hoặc là sự mất cân bằng hay tương tác xung đột giữa các yếu tố cấu thành cơ thể. Sự gây hấn bên ngoài xảy ra khi trí não bị phiền nhiễu (mặc dù người ngủ không hay biết về nó) bởi hiện tượng tự nhiên như thời tiết, gió, mưa, khí lạnh, rung động xào xạt của lá cây, tiếng bật lách cách của cửa sổ, v.v. Tiềm thức phản ứng lại những thứ phiền nhiễu này và tạo ra những bức tranh phản ảnh để “giải thích” chúng ngay. Trí não điều tiết sự gây hấn theo một phương cách có vẻ hợp lý để cho người nằm mộng có thể ngủ tiếp mà không có cảm giác bị quấy rối. Những chiêm bao loại này không quan trọng và không cần sự diễn dịch.
3. Thế rồi có những giấc mộng mang tính tiên tri và có tầm quan trọng mà người ta ít khi trải nghiệm. Những giấc mộng thuộc loại này chỉ xuất hiện khi một biến cố sắp xảy ra và có quan hệ lớn lao đến người nằm mộng. Phật giáo dạy rằng, ngoài thế giới hữu hình mà ta cam nhận còn có chư thiên ở thế giới khác hay những thần thức thuộc hạn cuộc của địa cầu này mà mắt thường của chúng ta không thấy được. Họ có quan hệ với chúng ta có thể là những thân thuộc hay bạn hữu đã qua đời mà tái sinh trở lại. Họ còn duy trì những mối liên hệ và chấp hữu tinh thần với chúng ta. Khi người Phật tử hồi hướng công đức cho những vị quá cố thì chư thiên cũng được mời về để chia sẻ sự an lạc tích lũy được trong công đức kia, do vậy người ấy phát triển một mối liên hệ tinh thần với những hương linh. Đáp lại, chư thiên hoan hỷ gia hộ và chỉ điểm cho ta một số điều, qua giấc mộng, khi chúng ta sắp sửa đối mặt những vấn đề quan trọng nào đó để gúp chúng ta tránh nguy hại. Khi nói “chư thiên có thể bảo vệ chúng ta” thì điều đó không mâu thuẫn gì với điều mà chúng ta đã minh thị rằng chư thiên không thể cứu rỗi chúng ta. Sự tinh tấn trên đường tâm linh của chúng ta phải do chính chúng ta đảm nhận.
Vì vậy, khi có một điều gì quan trọng sắp xảy ra trong đời sống chúng ta thì những năng lượng tinh thần trong trí não chúng ta sẻ được kích hoạt và thể hiện qua hình tướng của giấc chiêm bao. Những giấc mộng này có thể báo trước mối nguy hiểm đang đe dọa hoặc giúp cả sự chuẩn bị tư tưởng cho tin vui trào dâng bất ngờ. Các thông điệp này được truyền đạt dưới dạng biểu tượng (rất giống với âm bản của hình chụp) và cần được thông dịch một cách khéo léo và thông minh. Nhưng rủi thay, quá nhiều nhầm lẫn hai loại chiêm bao đầu tiên với loại này, và kết quả là họ mất thời gian quý báu và tiền bạc vào chuyện tham vấn ông đồng bà cốt và những kẻ đoán mộng giả mạo. Đức Phật biết rằng người ta có thể khai thác điều này để trục lợi nên Ngài đã cảnh báo Tăng sĩ trách xa việc bói toán, chiêm tinh, và đoán mộng.
4. Cuối cùng, tâm thức chúng ta là kho chứa tất cả năng lượng nghiệp báo tích lũy từ quá khứ. Thỉnh thoảng, khi một nghiệp quả sắp đến hồi chín muồi (nghĩa là, một khi hành động – mà ta đã tạo tác trong tiền kiếp hay trước đây trong  kiếp sống này – đến lúc nhận lãnh hậu quả phản ứng của nó), thì tâm thức, trong trạng thái nghỉ ngơi mà giấc ngủ mang lại, có thể làm phát sinh ra một “màn ảnh” về những gì sắp xảy ra. Lại nữa, tác động sẽ xảy ra ấy phải hết sức quan trọng và được xem là nguyên nhân dẫn đến kết luận rằng tâm thức “phóng thích” năng lượng thừa dưới dạng một giấc chiêm bao với những ảnh tượng sinh động. Những giấc mộng như thế rất hãn hữu và chỉ xảy ra với những người có bản chất tinh thần thuộc loại đặc biệt. Ảnh hưởng của một số nghiệp báo cũng hiện ra dấu hiệu của chúng trong tâm thức chúng ta vào thời khắc cuối cùng khi chúng ta sắp giã từ thế giới này.
Chiêm bao có thể xảy ra trong trường hợp hai người có hoạt động thần giao cách cảm với nhau. Khi một người mong mỏi truyền thông với một người khác thì đương sự sẽ tập trung mãnh liệt vào thông điệp và đối tượng nhận tin. Và tâm trí khi được nghỉ ngơi cũng chính là tình trạng lý tưởng để thu nhận những thông điệp này – được thể hiện dưới dạng chiêm bao. Thường thường, những giấc mộng kiểu này chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc căng thẳng mà thôi bởi vì trí não con người không đủ sức chịu đựng những thông điệp như thế trong một thời gian dài.
Kẻ phàm phu thấy và nghĩ như những người đang nằm mộng. Những thứ vô thường và phải tàn diệt thì kẻ phàm phu cho là thường hằng và tồn tại mãi mãi. Họ không thấy rằng thời thanh xuân sẽ bị chấm dứt bởi tuổi già, sắc đẹp phải nhường chỗ cho vẻ xấu xí, sức khỏe bị thay thế bởi bệnh tật, và chính sự sống cũng phải tan rã thành cái chết. Trong thế giới huyễn mộng này, những gì thực sự không có bản thể lại được xem là thực tại. Chiêm bao trong lúc ngủ cũng chỉ là một khía cạnh khác của thế giới huyễn mộng. Duy có những người tỉnh thức là các Đức Phật và A-la-hán vì họ nhìn thấy thực tại như thị.
Phật và A-la-hán không bao giờ chiêm bao. Ba loại chiêm bao đầu tiên không thể xuất hiện trong tâm thức của các ngài bởi vì những tâm thức này đã vĩnh viễn “tĩnh lặng” và do đó, không thể bị kích hoạt để trở lại chiêm bao. Loại chiêm bao cuối cùng cũng không thể xảy ra với các ngài bởi vì các ngài đã tận diệt mọi tham ái và lậu hoặc vốn là những nguyên nhân kích thích tâm trí làm phát sinh các giấc mộng. Đức Phật còn gọi là Đấng Giác ngộ bởi vì Ngài có phương thức thư giãn thể chất khác với chúng ta – không dùng đến giấc ngủ. Chúng ta vì đắm chìm vào giấc ngủ mà sinh ra hôn trầm và chiêm bao. Những nghệ sĩ và tư tưởng gia vĩ đại, như Goethe, thường nói rằng họ nhờ ngủ mà có được một số niềm cảm hứng tuyệt vời. Sở dĩ như vậy là vì trong khi ngủ, tâm trí của họ được tương đối tách rời khỏi năm giác quan cho nên họ nảy sinh những ý niệm sáng suốt mang tính sáng tạo cực cao. Wordsworth cũng có ý như thế khi ông nói rằng những áng thơ hay là kết quả của “sự hồi tưởng những cảm xúc mãnh liệt trong tĩnh lặng”.
Nguồn: Dreams and Their Significance trích trong Buddhist Missionary Malaysia Ed. 2002.

Yếu Nghĩa của Nam mô A-di-đà Phật

Yếu nghĩa của Nam mô A-di-đà Phật

A-di-đà là phiên âm chữ Amita, tiếng Sanskrit, dạng viết tắt của hai chữ Amitàbha có nghĩa là Vô Lượng Quang, ánh sáng vô lượng và Amitàyus có nghĩa là Vô Lượng Thọ, thọ mệnh vô lượng. Ðây là tên một vị Phật quan trọng được tôn thờ nhiều nhất trong Ðại thừa, giáo chủ cõi Tây phương Cực Lạc, tiếng Sanskrit là Sukhàvati, và được nhân gian tin thờ sớm nhất trong lịch sử Phật giáo, vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau công nguyên (1).
Phật tử theo Tịnh-Ðộ tông đã tin thờ lan rộng nước Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, coi Ðức A-di-đà là biểu tượng cho Từ Bi và Trí Huệ. Người tu Tịnh-Ðộ tông thường thờ tượng A-di-đà Tam Tôn, ở giữa là Phật Di Ðà, bên phải là Ðại Thế Chí Bồ Tát, bên trái là Quán Thế Âm Bồ Tát.
Nam-mô A-di-đà Phật! Sáu chữ Hồng Danh xưng niệm Phật hiệu đã trở thành câu niệm Phật quen thuộc và phổ biến rất rộng rãi trong giới Phật tử xuất gia cũng như cư sĩ tại gia. Mức độ thông dụng trong sinh hoạt hàng ngày chứng tỏ lòng tín niệm của Phật tử thể hiện ở câu chào khi gập nhau gồm có bốn chữ A-di-đà Phật!
Về mặt giáo lý, đây là pháp trì danh niệm Phật trong Tịnh-Ðộ tông được tín hành nhiều nhất, ngắn gọn dễ dàng tu tập nhất , thích hợp với tất cả mọi tầng lớp tín đồ không phân biệt thượng, trung hay hạ căn, trí huệ cao hay thấp, nghiệp chướng nặng hay nhẹ, chỉ cần hành giả trì danh nhất tâm tín nguyện, không thối chuyển cho đến khi mệnh chung sẽ được vãng sanh, Phật A-di-đà và thánh chúng tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Phổ biến lan rộng như thế, thông dụng thích hợp với mọi căn duyên chư thế, dễ dàng hành trì tu tập như thế, sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật lại có nội dung thậm thâm vi diệu, đệ nhất thù thắng so với các pháp môn tu tập khác. Ðiều này là mối nghi trong tâm thức của đa số Phật tử có thiên kiến lệch lạc về công năng của pháp niệm A-di-đà cho rằng pháp trì danh này không đạt tới đạo quả bằng pháp tu Thiền Ðịnh và chỉ thích hợp cho người già cả hay kẻ có trình độ trí huệ thấp kém không đủ khả năng theo Thiền Tông hay Mật Tông.
Ðể giải trừ mối nghi thiên lệch này, xin mời ai có nghi tâm lắng nghe Ðức Phật Thích Ca nói trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật: Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ phần Pháp thân … Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm danh Phật là đủ. Vì danh hiệu Phật chính là biểu tượng của Pháp thân, do đó niệm danh hiệu Phật tức là niệm Pháp thân Phật và người niệm Phật khỏi cần phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa.
Trong kinh Ðại Tập Phật dạy: Thời Mạt pháp vạn ức người tu không được một người giải thoát, chỉ nương pháp môn Niệm Phật mới có thể ra khỏi được luân hồi. Phật còn so sánh với pháp môn Thiền Ðịnh: Nếu cầu Vô thượng Bồ-đề nên tu Niệm Phật Thiền Tam Muội… Xưng niệm Phật A-di-đà là Vô thượng thâm diệu Thiền… Trong kinh Bửu Tích Phật thưa với Phụ Vương Tịnh Phạn: Phụ Vương nên niệm danh hiệu của Phật A-di-đà nơi cảnh Tây phương Cực Lạc, tinh tấn chuyên cần thì sẽ thành Phật, vui mừng niệm Phật sẽ được Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Ngoài ra trong nhiều kinh Ðức Phật thuyết về Tịnh Ðộ, ngay cả các kinh về Mật tông cũng nói đến Phật A-di-đà. Một nhận xét chính yếu để giải trừ mối nghi về tu thiền và pháp môn niệm Phật: Tu Thiền mà không được chân truyền rất dễ lạc vào tà kiến, ma đạo thường gọi là Ma Thiền, giống như kiến bò lên núi, mọt đục mắt tre. Do đó tu Thiền cần thêm Niệm Phật, nhiều Thiền sư vẫn chuyên cần niệm Phật. Ðây chính là nguyên do có giải pháp Thiền Tịnh song tu. Mật Tông cũng thờ Phật A-di-đà, xưng là Cam Lộ Vương, sáu chữ Hồng Danh gọi là Cam Lộ chú, Cam Lộ minh.
Nói đến sáu chữ Hồng Danh Nam-mô A-di-đà Phật, nhiều người có tín tâm tu Phật cầu phước đã ngộ nhận đây chỉ là câu niệm Phật cầu xin ân cứu độ, ban phước lộc cho hành giả. Sự thật không đơn thuần giản dị như vậy, càng thâm tín, càng lý giải tường tận, càng hành trì miên mật hành giả mới dần dần tỏ ngộ nội dung ý nghĩa sáu chữ Hồng Danh là vô lượng bất khả tư nghị, ai chứng ngộ mới tỉnh thức được rốt ráo. Trong giới hạn một bài viết, ở đây chỉ trình bầy một số đặc thù của pháp môn Niệm Phật, lấy sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật làm đề tài.
I- GIẢI THÍCH PHÁP MÔN NIỆM PHẬT.
*   GIẢI THÍCH THEO TỪ NGỮ. Niệm có nghĩa là nghĩ đến, nhớ đến, giữ lại trong tâm thức, nghĩ đến như ý niệm, khái niệm, quan niệm…, nhớ đến không quên như kỷ niệm, lưu niệm, tưởng niệm… Do đó, niệm Phật là nghĩ tưởng nhớ đến Phật. Từ ngữ Phật ở đây có nghĩa rất rộng bao gồm danh hiệu, sắc thân, pháp thân, ân đức Phật…
Phổ Hiền Ðại Bồ Tát giảng về Lục tự Hồng Danh có vô lượng vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu. Sau đây chỉ là sơ lược yếu chỉ chia làm ba phần:
- NAM-MÔ: Phiên âm tiếng Sanskrit Namah, có nghĩa như quy y quyết tâm vâng theo, cung kính và nương theo gửi đời mình cho Phật. Ðây là giai đoạn Thủy Giác có nội dung bao gồm năng niệm, trì giới, diệu quan sát thế gian giới, là bắt đầu đi trên con đường Giác Ngộ.
- A-DI-ÐÀ: Phiên âm tiếng Sanskrit Amita, có nghĩa Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ, chỉ Năng lực bất tư nghị của Ðức Di-Ðà. Ðây là giai đoạn Tương tục Giác, có nội dung bao gồm tương tục niệm, thiền định thâm nhập Pháp giới, bình đẳng tánh trí, là liên tiếp trì niệm trên suốt hành trình Giác Ngộ.
- PHẬT: Phiên âm tiếng Sanskrit Buddha, tức Phật-đà nói tắt, có nghĩa là giác ngộ, dứt khỏi luân hồi, giải thoát. Ðây là giai đoạn Bản Giác, có nội dung bao gồm thành tựu sở niệm, trí huệ, là đại viên cảnh trí, vô tận sở hữu trí, viên thành Phật quả.
Nói tóm tắt, ba giai đoạn gồm có Thường, Tịch và Quang.
Niệm Phật là pháp hữu vi tác nghiệp gieo nhân lành gồm cả ba nghiệp thân, khẩu và ý. Khi niệm Phật, hành giả thường đứng hay ngồi ngay ngắn, thái độ trang nghiêm, mắt nhìn thẳng vào hình tượng Phật: Ðó là thân nghiệp. Hành giả nói ở miệng thành lời: Ðó là khẩu nghiệp, từ ngữ xưng niệm diễn tả rõ nghĩa này. Hành giả nghĩ tưởng đến Phật: Ðó là ý nghiệp, từ ngữ tâm niệm diễn tả rõ nghĩa này. Niệm Phật cần phải tín nguyện và nhất tâm thì mới thành tựu được công đức pháp tu này là lúc mệnh chung vãng sanh về nơi Cực Lạc, đạt tới pháp vị Thượng Thiện Nhân, nghĩa là đã thấy Phật.*  NIỆM PHẬT LÀ PHÁP TU TỊNH NGHIỆP.
Theo kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Niệm Phật xưng danh A-di-đà với sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật là hành giả nhất tâm chí thành, chuyên cần bất thối, không gián đoạn luôn luôn nghĩ tưởng trong thâm tâm: Pháp thân, Hóa thân và Báo thân của Ðức Phật A-di-đà đang hiện ra trong thân và tâm của mình, và danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật đang tuôn chảy thành một dòng tâm, lâu ngày sẽ thành một khối lưu ly sáng rực… Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật. Hành giả sẽ dứt hết nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên Thanh Tịnh, chỉ còn nghiệp ở hiện tại.
Cần lưu tâm điều thiết yếu: Ðạt tới thân tâm Thanh Tịnh, nói cách khác là siêu thăng Tịnh Ðộ, vãng sanh về cõi Tịnh Ðộ của một vị Phật, mỗi vị Phật có một cõi Tịnh Ðộ, vô số Phật có vô số cõi Tịnh Ðộ. Cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A-di-đà mang tên Tây phương Tịnh Ðộ, Tây phương Cực Lạc, hay nói tắt là cõi Cực Lạc.
Siêu thăng Tịnh Ðộ chưa phải là Nhập Diệt Niết Bàn, chưa phải là Tịch Diệt, chưa phải là Vô Sanh, Liễu sanh thoát tử, tóm lại chưa phải là Giải thoát khỏi luân hồi. Lý do: Sau khi được Phật A-di-đà tiếp dẫn khi mệnh chung vãng sanh về nơi Cực Lạc, hành giả đã dứt hết nghiệp quá khứ, thân tâm trở nên Thanh Tịnh an trụ ở cương vị Thượng Thiện Nhân. Hành giả chưa chứng nhập Tịch Diệt vì vẫn còn tiếp tục tạo nghiệp, nghĩa là còn tiếp tục gieo nhân, chuyển hóa theo lý luân hồi nghiệp báo. Vì vậy hành giả vẫn tiếp tục hành trì niệm Phật miên mật bất thối. Với thân tâm Thanh Tịnh đã đạt tới, lại ở nơi thường gập Thánh chúng Bồ Tát và chư Phật, hành giả có sẵn phước duyên dễ dàng nhanh chóng chứng đắc Phật quả.
Kinh Niệm Phật Ba-la-mật dẫn giải: Niệm Phật Ba-la-mật là nhiếp thọ hào quang do Phật A-di-đà phóng ra. Cây cỏ, chúng sanh cũng đều có hào quang nhưng bị lu mờ vì vô minh. Khi niệm Phật, hai hào quang của Phật và chúng sanh dung thông nhau, lập tức Ðức A-di-đà nhiếp thọ, và ngay lúc đó ở cõi Cực Lạc thấy mọc lên một mầm sen của chúng sanh Niệm Phật… Hai hào quang dung thông phóng ra làm cho ác ma xa lánh 40 dậm và sen của hành giả sẽ được tươi tốt.
Niệm Phật Ba-la-mật là rốt ráo nhất tâm tín nguyện, niệm sao cho không còn có một vọng tưởng nào đến quấy đảo tâm thanh tịnh của hành giả. Hoa sen có tánh đặc thù là sống trong bùn mà không nhiễm mùi bùn, vẫn giữ được hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát.
Trong Phật học, hoa sen là biểu tượng của tâm Thanh Tịnh do hào quang của Phật A-di-đà nhiếp thọ tiếp dẫn đem về nuôi trong ao Thất Bảo (2) có nước thanh tịnh gọi là Tịnh thủy. Kể từ khi được nuôi bằng Tịnh thủy, hành giả vẫn tiếp tục hành trì Niệm Phật miên mật bất thối để hoa sen tiếp tục nở cho đến lúc mãn khai. Khi hoa sen mãn khai, hành giả đắc pháp vị A-duy-việt trí Bồ Tát, có đủ phép thần thông, có khả năng thuyết pháp độ sanh như chư Phật, chỉ chờ thời kỳ khế hợp thì đi làm Phật.
Theo từ ngữ, A-duy-việt trí là Trí bất thối chuyển, viên mãn Phật quả, nghiệp chướng được tẩy sạch, giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Khi hoa sen chưa đến độ mãn khai trong ao Thất Bảo, nếu hành giả không giữ được tâm bất thối chuyển, hoa sen sẽ tàn héo. Ðây là trường hợp đáng tiếc, hành giả hết còn duyên với Phật A-di-đà!
Nói cụ thể hơn, sau khi đươc vãng sanh về Tây phương Cực Lạc, hành giả vui hưởng quả phúc nơi Tịnh Ðộ thường sanh tâm luyến chấp lạc cảnh nơi này, tâm luyến cảnh không còn thanh tịnh rốt ráo, nhất tâm Niệm Phật như trước. Người khéo tu cần nhớ nhập tâm: Vãng sanh Cực Lạc chỉ mới là giai đoạn Tịnh hoá thân tâm, cần tiếp tục hành trì phát tâm cứu độ chúng sanh mới đạt tới cứu cánh giải thoát. Diệt đươc Khổ nhưng lại chấp thủ Lạc thì chưa ra khỏi được Luân hồi sanh tử.
II. NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ CỦA DANH HIỆU PHẬT.
Trong số tám vạn bốn ngàn pháp tu chỉ có pháp môn Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, cứu cánh đệ nhất, hữu hiệu và siêu việt nhất. Ðó là lời dạy của Ðức Thích Ca. Sự Nhất Tâm Niệm Phật bao gồm cả hai phần Sự và Lý:
-Nhất tâm về Sự là không trụ vào một niệm nào khác,
-Nhất tâm về Lý là thể nhập vào thực tướng của Phật, hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai và tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh.
Danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật sẽ lọc sạch phiền não trong thân tâm Người Niệm Phật. Nhờ xưng niệm sáu chữ Hồng Danh, hành giả nhìn thấy cảnh vật bên ngoài đúng như bản thể thực chất của chúng, không còn bị chúng chi phối, do đó điều phục thân tâm và không còn móng khởi tâm phân biệt.
Trong khi niệm Phật, nếu gập bất cứ thanh trần nào cũng đừng để tâm vào, cứ tiếp tục niệm Phật. Ðó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm mà mỗi sát na đều hiển hiện Chân Như Tánh…Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế, chẳng bao lâu thì Tánh Nghe cũng không còn. Khi ấy, Phật trí tự nhiên tỏa rạng, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn. Thuật ngữ Phật học gọi là VONG SỞ, có nghĩa không còn nghe thấy tiếng mình niệm Phật. Cũng nói là Niệm, vô niệm, niệm khi không còn phân biệt năng niệm với sở niệm nữa. Ðó là khi hành giả đã chứng ngộ ngũ uẩn là không, ngã kiến ngã chấp bị lọc sạch, thân tâm trở nên quang minh thường tại, chiếu suốt mười phương pháp giới. Nói cách khác, Tri Kiến Giác Ngộ của hành giả trở nên đồng đẳng với Tri Kiến Giác Ngộ của chư Như Lai.
Chúng sanh vô minh vì lý do chấp ngũ uẩn làm thân và tâm thật của mình. Năng lực nhiệm màu của pháp môn Niệm Phật chuyển hóa dần dần VÔ MINH thành VIÊN GIÁC theo tiến trình: Biết tất cả các pháp đều như huyễn, nhất thiết pháp giai không. Biết là huyễn, là không tất sẽ ly. Ly huyễn tức là Giác. Danh hiệu Phật hòa tan căn, trần, thức và tất cả đều nhập vào Viên Giác Tánh, cũng gọi là Hư Không Tạng, Vô Cấu Tạng, Tịch Tịnh Tạng. Hành giả dần dần thành tựu Chánh Ðịnh Như Lai, tự nhiên phát sanh Tuệ Giác Không Tánh. Nói vắn tắt: Niệm sanh Tịnh, Tịnh sanh Ðịnh và Ðịnh sanh Huệ.
Tuệ Giác Không Tánh đạt tới mức hết sức Thanh Tịnh, gọi là Vô Cấu Thức hay Bạch Tịnh Thức, tiếng Sanskrit là A-mạt-la thức (thức thứ 9, cao hơn A-lại-da thức). Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ðức Thích Ca bảo: Này A-Nan! Ðức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng bằng! (3)
III - NIỆM PHẬT TÔNG YẾU.
Niệm Phật là Pháp Môn Tha Lực duy nhất trong Phật Pháp mà điểm then chốt là tin tưởng tuyệt đối vào Bổn Nguyện của Ðức Phật A-di-đà. Ðó là dùng DANH HIỆU của ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Không hiểu tường tận ý này, nhiều người nhất là hàng cư sĩ tại gia thường cho rằng Niệm Phật Xưng Danh là pháp môn dành cho hạng hạ căn không đủ căn cơ để tu những pháp môn về Thiền Quán như Quán Thật Tướng, Quán Tưởng, Quán Tượng, v…v… Hơn nữa khi tu Niệm Phật phần đông mang tâm niệm TỰ LỰC, trông cậy vào sức mình để được vãng sanh. Ðây chỉ là Tự Lực Niệm Phật.
Pháp Nhiên Thượng Nhân (1133-1212), tên Nhật là Honen, Khai Tổ của Tịnh Ðộ Tông Nhật Bản (4) nhận định tông yếu của pháp môn Tha Lực Niệm Phật. Tác phẩm quan trọng nhất Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập được coi như một áng linh văn bất hủ về Tịnh Ðộ có những điểm then chốt như sau:
1-Thánh Ðạo Môn gồm các pháp môn ngoài Tịnh Ðộ Tông tuy thâm diệu nhưng thời điểm và căn cơ chẳng tương ứng. Tịnh Ðộ Môn hình như nông cạn nhưng thời điểm và căn cơ đều tương ứng.
Thời Mạt Pháp một vạn năm, các kinh điển khác đều tiêu diệt, chỉ còn pháp môn Di Ðà để cứu độ chúng sanh.
2-Tông Tịnh Ðộ siêu hơn các tông. Hạnh Niệm Phật siêu hơn các hạnh. Lý do vì thâu nhiếp tất cả các căn cơ.
3- Chẳng kể có tội hay vô tội, trì giới hay phá giới, tại gia hay xuất gia, thiện hay ác, trong các tiền kiếp có phúc căn hay tội căn, hữu trí hay vô trí, nếu căn cứ vào thời điểm và căn cơ thì chỉ có pháp môn Tịnh Ðộ, Hạnh Niệm Phật là yếu pháp thoát khỏi sanh tử trong đời này.
4-Quang minh của Ðức A-di-đà chỉ soi chiếu người Niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác.
5-Trụ vào cái Tâm Tha Lực (Nguyện Lực của Ðức Di-Ðà) mà Niệm Phật thì chỉ trong khoảnh khắc sẽ được vào sự lai nghinh của Ðức Phật A-di-đà.
Ðiều 18 trong số 48 Ðại nguyện của Ðức Phật A-di-đà: Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh chí tâm tín mộ muốn sanh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thời tôi không ở ngôi Chánh Giác, trừ kẻ tội tạo ngũ nghịch cùng hủy báng Chánh pháp.
Ðiều 19 bổ sung trường hợp phát Bồ-đề tâm: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ-đề tâm tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi, lúc thọ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mắt họ. Nếu không như vậy, tôi chẳng lấy ngôi Chánh Giác.
6- Niệm Phật hoàn toàn không có hình thức, đã lấy KHÔNG HÌNH THỨC làm hình thức. Chỉ cần biết rằng thường Niệm Phật, Chí tâm niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh mà vãng sanh sang cõi Cực Lạc.
7- Nếu thường xưng danh hiệu thì do công đức của Phật danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp tự điều, nguyện tâm tự phát.
8- Trong nhãn quan của Pháp Nhiên thì:
-Tam tâm (chỉ Thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
-Ngũ Niệm (Lễ bái, Xưng tán,Phát nguyện, Quán sát, Hồi hướng) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
-Tứ Tu (Cung kính tu, Vô dư tu, Vô gián tu, Trường thời tu) cũng là Nam mô A-di-đà Phật.
9- Người lười biếng Niệm Phật là kẻ đánh mất đi vô lượng châu báu. Người siêng năng Niệm Phật là kẻ khai mở ra vô biên sáng suốt. Nên dùng cái tâm NƯƠNG PHẬT LỰC, cầu vãng sanh mà tương tục Niệm Phật.
10- Nghe nói một niệm, mười niệm cũng được vãng sanh rồi lơ là việc Niệm Phật: Ðó là TÍN chướng ngại HẠNH. Nghe nói niệm niệm chẳng rời rồi nghĩ rằng một niệm vãng sanh bất định: Ðó là HẠNH chướng ngại TÍN. Tin thì một niệm cũng vãng sanh, mà hành thì siêng năng xưng niệm suốt đời.  Vãng sanh mà nghĩ rằng nhất định thì NHẤT ÐỊNH, nếu nghĩ rằng bất định thì BẤT ÐỊNH!
11- Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sanh mà Niệm Phật. Ðó là Tha Lực Niệm Phật. Tin rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sanh là điều sai lầm rất lớn. Hạng vô trí, tội chướng Niệm Phật mà được vãng sanh mới là Ý CHÁNH của bổn nguyện của Phật A-di-đà.
12- Tuy được nghe Danh Hiệu mà không tin thì cũng như không được nghe. Tuy có tín tâm mà không xưng niệm thì cũng như không tin. Bởi thế nên một lòng Niệm Phật, không chút nghi ngờ.
13- Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, không phải lúc lâm chung cần phải có chánh niệm thì mới được Phật lai nghinh.
14- Tất cả Phật pháp nhằm chế phục điều ác. Vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được nên khuyên Niệm Phật để diệt tội. Hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn.
15- Người tu Tịnh Ðộ trước hết cần biết hai điều:
-Vì người có duyên, dù phải bỏ thân mạng, tài sản cũng nên vì họ mà nói pháp môn Tịnh Ðộ.
-Vì sự vãng sanh của chính mình, nên xa lìa mọi phiền nhiễu mà chuyên tu hạnh Niệm Phật.
Ngoài hai điều trên, không nên tính toán gì khác. Tất cả mọi việc trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho Niệm Phật, hễ gây chướng ngại thì nên từ bỏ.
16- Thánh Ðạo Môn (các tông phái khác) đều tu cái NHÂN của tam thừa, tứ thừa để được cái QUẢ của tam thừa, tứ thừa. Do đó không thể so sánh với hạnh Niệm Phật vì lý do mục đích khác nhau. Còn trong Tịnh Ðộ Môn thì các hạnh (đọc tụng kinh điển, lễ bái, quán tưởng, quán tượng…) và hạnh Niệm Phật đều là NHÂN để vãng sanh nên có thể so sánh với nhau.
Nhưng các hạnh khác đều chẳng phải là Di Ðà Bổn Nguyện, do đó quang minh của Ðức Di Ðà chẳng thu nhiếp, mà Ðức Thích Ca cũng chẳng phó chúc. Bởi thế, Thiền Ðạo Ðại Sư (5) có dạy: Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng so với Niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh được.
17- Muốn mau lìa sanh tử, trong hai loại thắng pháp hãy bỏ qua Thánh Ðạo Môn mà theo TỊNH ÐỘ MÔN.
Trong các pháp Tịnh Ðộ Môn có hai hạng Chánh và Tạp, hãy bỏ qua các Tạp hạnh mà quay về theo CHÁNH HẠNH.
Trong phạm vi Chánh Hạnh có hai phần Chánh Ðịnh và Trợ Nghiệp, chớ theo Trợ Nghiệp mà chuyên tu CHÁNH ÐỊNH, tức XƯNG NIỆM PHẬT DANH nương theo BỔN NGUYỆN DI-ÐÀ thì tất nhiên được vãng sanh. Niệm Phật là việc mình làm, tiếp dẫn vãng sanh là việc Phật làm, hai việc hữu duyên tương ứng là năng lực bất tư nghị của Danh hiệu Phật. Thâm tín trì niệm là đủ, không còn nghi ngờ tính toán gì khác.
18- Năm điều quyết định sự vãng sanh:
- Bổn Nguyện của Ðức Di-Ðà.
- Lời dạy xác minh của Ðức Thích Ca.
- Sự chứng minh của Chư Phật.
- Giáo thích của Tổ Thiện Ðạo.
- Tín tâm của người Niệm Phật.
19- Di Ðà Bổn Nguyện phát ra không phải chú trọng đến hạng thiện nhân có phương tiện, có thể dùng tự lực để thoát ly sanh tử, mà chính vì hạng ác nhân tội chướng không có phương tiện để tự giải thoát. Tuy nhiên hạng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào THA LỰC NIỆM PHẬT mà được vãng sanh. Di-Ðà Bổn Nguyện không có sự phân biệt, tất cả đều bình đẳng như nhau.
20- Tu Thánh Ðạo Môn thì cần trí huệ tột cùng để lìa sanh tử. Tu Tịnh Ðộ Môn thì trở lại ngu si để được vãng sanh, chẳng dựa vào trí huệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần tu tâm dưỡng tánh, mà chỉ cần tự thấy mình là người vô năng vô trí, cần nương vào Bổn Nguyện Di-Ðà mà Niệm Phật để được vãng sanh.
Thâm tín và hành trì như trên, lúc lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh. Nếu bình thường đã thường xuyên xưng danh tích lũy công đức thì dù cho lúc lâm chung vì lý do nào đó tâm vọng động tán loạn bất định không xưng được Phật danh, hành giả vẫn được quyết định vãng sanh.
Giáo pháp tuy vô lượng nhưng xét đến chỗ cương yếu thì Tha Lực Ðốn Giáo thù thắng hơn cả. Tổ Huệ Viễn (334-416), Sơ Tổ của Tịnh-Ðộ Tông Trung Hoa, một cao tăng đầu tiên nhấn mạnh đến sự quan trọng của Thiền Ðịnh có xác nhận: Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao lại dễ tu thì Niệm Phật lại hơn cả.
21- Nương tựa Bổn Nguyện Di-Ðà không phải là quán tưởng trong tâm, mà là XƯNG NIỆM DANH HIỆU, đừng trụ tâm ở quán tưởng mà cần xưng danh ra tiếng.
Xưng danh là CHÁNH NHÂN quyết định vãng sanh. Ngoài xưng danh ra không có gì quyết định vãng sanh như chánh hạnh, chánh nghiệp, trí huệ…
22- Quyết định quy kết của Pháp Nhiên Thượng Nhân: Sống thì Niệm Phật tích lũy công đức, Chết thì vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Không có gì trong đời này làm bận tâm nữa.
KHAI THỊ VÀ DI HUẤN CỦA PHÁP NHIÊN THƯỢNG NHÂN ÐỂ LẠI CHO ÐỆ TỬ LÚC LÂM CHUNG:
Thày mấy chục năm nay, công phu Niệm Phật tích lũy, được bái kiến Cực Lạc Trang Nghiêm và Chân Thân của Phật, Bồ Tát là việc bình thường, nhưng thày giữ kín không nói ra. Nay đã đến lúc tối hậu nên mới bày tỏ đôi chút …
Hai ngày trước khi vãng sanh, Ngài Pháp Nhiên lấy bút viết bản di huấn tối hậu:
Chẳng phải là Niệm Phật theo lối quán niệm mà các bậc trí giả Trung hoa, Nhật Bản thường nói đến;
Cũng chẳng phải là Niệm Phật theo lối phải thâm nhập kinh tạng để thấu hiểu thâm nghĩa của Niệm Phật.
Chỉ nghĩ rằng: Ðể vãng sanh Cực Lạc thì xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật là quyết định vãng sanh, không nghi ngờ mà xưng niệm. Ngoài ra, không có thâm áo gì khác.
Bởi vì điều gọi là Tam Tâm, Tứ Tu đều đã quyết định bao hàm trong tưởng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, quyết định vãng sanh (Xin xem lại số 8 đã nói ở trên).
Ngoài đó ra, nếu có gì thâm áo khác là ở ngoài lòng từ mẫn của hai Ðấng Từ Tôn (Phật Thích Ca và Phật A-di-đà), lọt khỏi bổn nguyện.
Người muốn tin Niệm Phật thì dù cho có thể học hết giáo pháp một đời của Ðức Thích Ca cũng thành ra kẻ một chữ chẳng biết, ngu độn như hạng vô trí, chớ hiện ra vẻ trí giả, hãy một mực Niệm Phật.
Tôi in vào đây cả hai bàn tay của tôi để xác nhận di huấn này… Không còn gì để nói nữa, tôi đã viết hết những điều cốt tủy ở đây để ngăn ngừa những dị kiến sau khi tôi ra đi.

KẾT  LUẬN
Ðọc đến đây, chắc có nhiều bạn chưa tin hẳn vào NĂNG LỰC BẤT TƯ NGHỊ của NIỆM PHẬT đã trình bày ở trên, lý do rất dễ hiểu: Hạnh tu gì đơn giản, dễ dàng đến người già trẻ con đều làm được mà lại có năng lực thâm mật vi diệu đến thế? Ðể giải trừ nỗi vương vấn phân vân, một ẩn dụ dẫn giải tường tận và chính xác giúp các bạn NHẤT THIẾT GIỮ TÍN TÂM TUYỆT ÐỐI đối với sáu chữ Nam-mô A-di-đà Phật:
Nếu cùng đi trên con đường gồ ghề có nhiều lối rẽ như băng qua rừng núi thì một người sáng mắt khoẻ chân mới có thể nhất định đi đến đích, một người mù què chân đi phải chống nạng tất nhiên là không thể so sánh được. Ðấy là cả hai người đều dùng TỰ LỰC để di chuyển. Nếu cùng dùng đường hàng hải hay đường hàng không thì cả hai người đến tới đích cùng một lúc, nhanh chóng và dễ dàng như nhau. Ðây là cả hai người đều dùng THA LỰC để di chuyển.
Kẻ cầm bút thiết tha xin các bạn đã vững tín tâm và hành trì Niệm Phật hãy phổ biến tài liệu này đến các bạn đồng đạo còn vương vấn chút nghi ngờ về ƠN CỨU ÐỘ vô lượng vô biên của Bổn Nguyện Di-Ðà. Ðó là pháp duyên gieo Nhân lành, tích lũy Công Ðức, xin chớ bỏ qua.
Ai tự nhận thấy mình là người mù què, hãy xưng niệm ngay NAM MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT! Ðức A-di-đà sẽ đến đón vãng sanh với lòng thương xót.
Ai tự nhận thấy mình là người sáng suốt khỏe chân, cũng xưng niệm ngay NAM-MÔ A-DI-ÐÀ PHẬT! Ðức A-di-đà cũng sẽ đến đón vãng sanh với lòng hoan hỷ.
Ai tự nhận thấy mình không thuộc một trong hai hạng người vừa kể trên thì người đó không hiểu biết chút gì về Bổn Nguyện Di-Ðà, đã tự đánh mất cả một kho báu vô giá mà Phật đã ban cho tất cả mọi chúng sanh một cách đồng đều, không bỏ sót bất cứ ai.

DUYÊN HẠC Lê Thái Ất
CHÚ THÍCH:
1- Phật A-di-đà: Tiền thân hai vị Phật Ðức A-di-đà và Ðức Thích Ca cùng với 14 vị Phật khác đều là anh em ruột, phụ vương là Ðức Phật Ðại Thông Trí Thắng (Mahabhidjadjnnabhikhu). Tất cả 16 vị vương tử đều theo cha xuất gia, thọ trì Bồ Tát Ðạo và được cha truyền cho quả Phật.
Tịnh-Ðộ, tiếng Sanskrit Buddhaksetra có nghĩa là Phật độ, nơi Thanh Tịnh, cõi Phật, nơi cuối cùng cần đạt tới, sau đó mới tiến tới chứng nhập Niết Bàn. Mỗi vị Phật có một cõi Tịnh-Ðộ. Cõi Tịnh-Ðộ của Ðức A-di-đà gọi là Tây phương Tịnh Ðộ, Tây phương Cực Lạc, cõi Cực Lạc. Cõi Tịnh-Ðộ của Ðức Thích Ca là Tịnh Ðộ phương Ðông Bắc, và theo Kinh Ðại Bát Niết Bàn cõi này mang tên cõi Vô Thắng Tịnh Ðộ. Ðức Phật Di-Lặc, vị Phật tương lai hiện đang giáo hóa ở cõi Trời Ðâu-Xuất sẽ tạo ra một Tịnh-Ðộ mới.
2- Ao Thất Bảo: Ao có nước Tịnh Thủy để rửa sạch mọi phiền não, trong đó có bảy vật báu biểu tượng cho Tâm Thanh Tịnh rốt ráo ở cõi Cực Lạc. Lục Tổ Huệ Năng giảng trong Pháp Bảo Ðàn kinh: Thất Bảo tiêu biểu cho bẩy Ðại Hạnh gồm có KIM (Giới), NGÂN (Tín), LƯU LY (Văn), PHA-LÊ (Tâm), XÀ CỪ (Tinh Tấn) XÍCH CHÂU (Huệ) và MÃ NÃO ( Xả). Ðây là Thất Thánh Tài tức tài sản của Chư Thánh dùng để nuôi dưỡng Chân Tâm người trì niệm.
3- Danh hiệu của đức A-di-đà: Trong Kinh Vô Lượng Thọ , Ðức Thích Ca bảo A-Nan: Này A-Nan! Ðức Phật Vô Lượng Thọ oai thần quang minh tối tôn đệ nhất, quang minh của chư Phật chẳng bằng. Kinh Vô Lượng Thọ nói Ðức A-di-đà có 13 Phật danh, ngoài tên Vô Lượng Thọ Phật còn 12 tên khác đều có chữ QUANG ở sau, có nghĩa là ánh sáng chứng tỏ oai thần quang minh của Ðức A-di-đà có đặc tính tối tôn đệ nhất:
1- Vô Lượng Quang Phật
2- Vô Biên Quang Phật
3- Vô Ngại Quang Phật
4- Vô Ðối Quang Phật
5- Diệm Vương Quang Phật
6- Thanh Tịnh Quang Phật
7- Hoan Hỷ Quang Phật
8- Trí Huệ Quang Phật
9- Bất Ðoạn Quang Phật
10- Nan Tư Quang Phật
11- Vô Xứng Quang Phật
12- Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật
4- Pháp-Nhiên Thượng Nhân (1133-1212), tên Nhật là Honen, Khai Tổ của Tịnh-Ðộ Tông Nhật Bản. Tiểu sử của ngài cho biết ngài đã mãn nghiệp thế gian đúng như Chánh Nghiệp: Làm con một vị quan đến ngoại tứ tuần vẫn chưa có con nối dõi, Ngài ra đời sau khi cha mẹ vào chùa tụng kinh bẩy ngày đêm xin Phật gia hộ. Khi Ngài đản sinh có hai luồng hào quang ở trên không chiếu xuống, tiếng chuông ngân vang. Ngài có tướng mạo phi phàm từ thuở sơ sinh.
Khi Ngài chín tuổi, phụ thân bị địch quân sát hại. Lúc lâm chung, vị quan thất thế kêu Ngài đến dạy: Ðây là túc nghiệp của cha, tuyệt đối không nên ôm hận báo thù. Hãy nhớ rằng oán không thể diệt được oán!… Sau này thành nhân, con hãy cầu vãng sanh Cực Lạc, lợi lạc bình đẳng cho người và cho mình.
Năm 14 tuổi, tuân theo lời cha dạy Ngài xuất gia với Pháp sư Giác Quán ở chùa Bồ Ðề tại quê nhà. Pháp sư Giác Quán thấy Ngài thông tuệ khác thường liền đưa Ngài đến một tu viện nổi tiếng ở kinh đô để tham học với Pháp sư Nguyên Quang. Không bao lâu Pháp sư Nguyên Quang lại tiến cử Ngài tham học với Tổ Hoàng Viên Tông Thiên Thai thời đó. Thu nhận Ngài làm đệ tử chưa đầy ba năm, Tổ Hoàng Viên thấy Ngài đã thấu triệt tất cả những áo diệu của Giáo Pháp Thiên Thai có ý muốn truyền Tổ vị cho Ngài. Nhận thấy ở Nhật Bản thời đó một chức sắc trong giáo quyền được hưởng rất nhiều quyền lợi, vì không muốn bị ràng buộc lợi danh Ngài ra đi vào năm 18 tuổi đến ẩn tu ở núi Hắc Cốc, tham học với Hòa Thượng Duệ Không, một vị cao tăng của Mật Tông thời bấy giờ. Hòa Thượng Duệ Không đặt pháp hiệu cho Ngài là PHÁP NHIÊN, có nghĩa Pháp vốn Như Vậy và pháp danh là NGUYÊN KHÔNG, ghép chữ đầu và chữ cuối ở tên của hai vị Ðại Sư Nguyên Quang và Ðại Sư Duệ Không mà Ngài thọ huấn. Tại đây Ngài được truyền thụ Viên Thừa Ðại Giới và Du Già Bí Pháp. Ngài tinh thông mọi Tông phái, duyệt đọc 5 lần Ðại Tạng nên được đương thời tôn xưng là Trí Huệ Ðệ Nhất.
Về Giáo Pháp, dưới nhãn quan của Ngài thì Xưng Danh Niệm Phật vừa là Chánh Hạnh, Chánh Nhân và Chánh Nghiệp trong đời sống thế gian. Lưu ý tại Nhật Bản có hai Tông phái dễ gây ngộ nhận: Tịnh-Ðộ Tông, tiếng Nhật là Jodo-shu, Khai Tổ là Pháp Nhiên và Tịnh-Ðộ Chân Tông, tiếng Nhật là Jodo- Shinshu, về sau do Thân Loan đệ tử của Khai Tổ Pháp Nhiên biến thái lập riêng ra.
5- Thiện Ðạo Ðại Sư theo truyền thuyết của Trung Hoa là Hóa thân của Phật A-di-đà.
Theo chuaphuclam.com

Đức Phật Ở Đâu?



Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, hầm hố gian nguy hiểm trở... Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả.

loi-Phat-day-kinh-bat-cu.jpg

"Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng. "

Một hôm tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, mừng quá, chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.

Ông lão mĩm cười:

- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...

- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao...

- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không...

- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.

Chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.

Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: "Ôi Đức Phật yêu quí của con. "

Ai Còn Mẹ Xin Đừng Làm Mẹ Khóc

Nhẫn tâm bỏ đói giết mẫu thân, 
Quả báo ấy muôn đời phải chịu.

 Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, có người bà-la-môn kiếm sống bằng nghề xin ăn, cuộc sống gia đình hết sức túng thiếu, khốn khổ. Do đó, vợ ông cũng thường phải đi xin ăn. Sau đó, người vợ mang thai. Song kì lạ hết sức, từ ngày đứa bé bắt đầu hình thành trong bụng bà, suốt ngày bà chẳng xin được thứ gì cả. Sau 9 tháng, bà sinh ra một đứa con trai, không những vừa ốm vừa xấu xí, lại còn bị gù lưng, nên cha mẹ liền đặt tên là Tiểu Đà Bối. Chỉ mấy ngày sau khi sinh, do nhân duyên nghiệp lực hiện tiền, dòng sữa ngọt trong người mẹ cậu bỗng nhiên cạn khô, do đó phải dùng sữa bò cho cậu bú, song cũng rất khó xin được sữa. Nhưng vì thân này là thân cuối cùng để thọ nghiệp của cậu ta, nên khi chưa trả hết nghiệp báo thì sẽ không thể chết. Vì vậy, cha mẹ vẫn cố gắng gượng chăm sóc nuôi nấng cậu lớn lên trong cảnh dở sống dở chết như thế. Khi cậu đã khôn lớn, một hôm cha cậu bảo: – Gia đình mình sinh sống bằng nghề ăn xin, xưa nay hết sức vất vả rồi, bây giờ con đã lớn cũng nên bắt đầu đi xin ăn. Thế là, Tiểu Đà Bối bắt đầu tự mình đi xin ăn. Nhưng do nghiệp lực, cậu thường xuyên chẳng xin được thứ gì, mỗi khi đói đến lã người mới miễn cưỡng xin được ít thức ăn chỉ vừa đủ để duy trì chút hơi tàn, cả thể xác và nội tâm đều thống khổ vô cùng. Sau đó, cậu dần dần phát khởi niềm tin đối với giáo pháp giải thoát của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn. Sau khi được cha mẹ đồng ý, cậu theo một thầy tỳ-kheo xuất gia, thọ giới. Sau khi xuất gia, mấy ngày đầu cậu cùng đi khất thực chung với thầy, cuộc sống cũng tàm tạm. Nhưng qua một thời gian, vị thầy liền bảo cậu đi hóa duyên một mình. Thế là, Tiểu Đà Bối bắt đầu thực hành phương thức sinh hoạt của một vị tỳ-kheo thực thụ, có khi cùng đi thọ nhận cúng dường với chúng tăng, có khi vào thành hóa duyên một mình. Nhưng dù Tiểu Đà Bối có đi thọ cúng cùng với chúng tăng, cũng thường không có đủ thức ăn, trong khi các thầy tỳ-kheo khác lại được ăn uống đầy đủ. Có khi đến lượt Tiểu Đà Bối nhận cúng thì cũng vừa đúng lúc thức ăn của thí chủ không còn; hoặc nếu không như vậy thì lại gặp lúc thí chủ có việc gấp phải đi, đến chừng trở lại thì Tiểu Đà Bối đã đi qua, thí chủ mới tiếp tục cúng dường cho các tỳ-kheo phía sau. Nói chung, trong số chúng tăng thì tỳ-kheo Tiểu Đà Bối là vị có cuộc sống khốn khổ nhất. Nhiều thầy tỳ-kheo biết được tình trạng như vậy rất thương xót, bèn đến thỉnh vấn đức Như Lai: – Kính bạch đức Thế Tôn! Tỳ-kheo Tiểu Đà Bối thường không xin được thức ăn, có khi các thầy tỳ-kheo trước sau đều được đầy đủ, song chỉ sót lại riêng mình thầy, như vậy nên làm thế nào? Khi ấy, đức Như Lai liền chế định thêm một điều luật rằng: “Khi cùng đi thọ nhận cúng dường, nếu thầy tỳ-kheo phía trước chưa được thức ăn thì tỳ-kheo phía sau không được thọ nhận đồ cúng.” Mặc dầu như vậy, tỳ-kheo Tiểu Đà Bối vẫn thường không xin được thức ăn, mỗi khi vào thành hóa duyên thường phải ôm bát không trở về. Sau đó, có hai hôm thầy quét dọn hương thất của đức Thế Tôn. Hai ngày đó thầy được ăn đầy đủ, thân thể cũng khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái. Thầy nhân đó liền phát tâm dũng mãnh tinh tấn, tức khắc đoạn trừ tất cả phiền não, chứng đắc quả vị A-la-hán. Song, dù thầy đã chứng đắc quả A-la-hán nhưng cũng vẫn phải lãnh thọ nghiệp báo đời trước còn sót lại. Thầy thầm nghĩ: “Hay là ngày nào mình cũng quét dọn giảng đường, cuộc sống có thể tốt hơn một chút.” Nghĩ là làm, thầy liền đến nơi giảng kinh của đức Thế Tôn. Rủi thay, ngày hôm đó đã có một vị tỳ-kheo khác quét dọn trong ngoài giảng đường sạch sẽ rồi. Thầy đành phải đắp y ôm bát vào thành hóa duyên, nhưng chẳng được gì cả. Ngày hôm sau, thầy cầm chổi đi đến điện đường rất sớm, ai ngờ cũng đã có một vị tỳ-kheo quét sạch điện đường rồi, thầy đành quay gót trở về liêu. Sau khi trở về, nghe nói trưa nay có vị đại thí chủ sẽ cúng dường đức Như Lai và chúng tăng, thầy định bụng sẽ được cùng dự cúng. Nhưng ngờ đâu thí chủ có việc gấp phải cúng dường trước thời gian đã định, vì tỳ-kheo Tiểu Đà Bối ngồi thiền nên không hay biết. Khi đức Như Lai thọ cúng xong, thí chủ cũng tức tốc ra về, hôm đó Tiểu Đà Bối lại chẳng có gì ăn. Ngày thứ ba, thầy đặc biệt cầm chổi đến điện đường thật sớm, vừa đến nơi đã thấy có một thầy tỳ-kheo đang quét, thầy chỉ còn cách vác chổi trở về liêu. Thầy A-nan biết đã ba ngày rồi thầy Tiểu Đà Bối vẫn chưa có hạt cơm nào vào bụng, do đó giới thiệu cho thầy một vị thí chủ, tới trưa cứ việc ôm bát đến nhận cúng. Nhưng, gần đến giờ thì vị thí chủ ấy có việc phải giải quyết gấp, vội vội vàng vàng ra đi, quên dặn lại người nhà về việc trưa nay sẽ có một thầy tỳ-kheo đến nhận cúng. Do đó, lúc thầy Tiểu Đà Bối đến hóa duyên chẳng có ai để ý thầy. Thầy A-nan vào thành hóa duyên trở về, nghe nói A-la-hán Tiểu Đà Bối vẫn chưa ăn gì, thầy thương quá liền đến bên an ủi: – Không nên lo lắng, ngày mai chính tôi sẽ cúng dường cho thầy. Sáng sớm ngày thứ tư, thầy A-nan ôm hai bát vào thành khất thực. Khi hóa duyên đã đầy hai bát, thầy dùng một bát, còn một bát mang về cho thầy Tiểu Đà Bối. Nhưng lúc đi đến rừng Kỳ-đà, đột nhiên có rất nhiều chó hoang nhảy xổ ra, chồm lên xô đổ và ăn sạch thức ăn trong bát. Thầy A-nan bất ngờ không biết phải làm sao, đành ôm bát không trở về. Thầy A-nan thầm nghĩ: “Giả sử mình đi hóa duyên tiếp, thì về đến nơi cũng đã quá ngọ. Quá ngọ thì bậc A-la-hán sẽ không ăn.” Như vậy, thầy Tiểu Đà Bối vẫn không có cơm ăn. Thầy Mục-kiền-liên nghe nói đã 4 ngày rồi mà thầy Tiểu Đà Bối vẫn chưa có gì để ăn, trong lòng cảm thấy thương xót vô cùng, cũng muốn giúp thầy ấy hóa duyên. Ngày thứ năm, thầy Mục-kiền-liên cũng mang hai bát vào thành hóa duyên. Khi nhận đầy hai bát, thầy dùng một bát, còn một bát mang về. Nhưng về đến vườn Kỳ-đà thì đột nhiên xuất hiện một bầy quạ, nhanh như chớp xà xuống ăn sạch cơm trong bát Thầy Mục-kiền-liên tự nghĩ: “Nếu vào thành hóa duyên tiếp, khi về cũng đã quá ngọ.” Thầy đành ôm bát không trở về. Như vậy, thầy Tiểu Đà Bối vẫn chẳng có gì ăn. Thầy Xá-lợi-phất nghe nói thầy Tiểu Đà Bối chịu đói đã 5 ngày rồi, liền đến chia sẻ, dự định ngày mai sẽ đi hóa duyên cho thầy. Ngày thứ sáu, thầy Xá-lợi-phất cũng ôm hai bát vào thành hóa duyên, nhận đầy hai bát. Thầy dùng một bát, còn bát kia mang về. Nhưng vừa đến rừng Kỳ-đà, do nghiệp lực của thầy tỳ-kheo Tiểu Đà Bối quá nặng nên lại xuất hiện một bầy phi nhân giật bát chạy đi, trong nháy mắt chẳng còn thấy đâu cả. Thầy Xá-lợi-phất thấy đi hóa duyên tiếp cũng đã quá ngọ, đành ôm bát không trở về. A-la-hán Tiểu Đà Bối vẫn không có gì ăn. Thầy Xá-lợi-phất lại an ủi: – Bất luận thế nào, ngày mai nhất định tôi sẽ cúng dường cho thầy. Hôm sau đã là ngày thứ bảy Tiểu Đà Bối phải nhịn đói, thầy Xá-lợi-phất lại vào thành hóa duyên. Khi đã nhận đầy hai bát, thầy dùng một bát, còn bát kia mang thẳng đến liêu của tỳ-kheo Tiểu Đà Bối. Nhưng khi ấy đột nhiên toàn bộ cửa đều bị đóng kín, không thể vào được. Thầy Xá-lợi-phất liền vận thần thông hiện vào, đánh thức thầy Tiểu Đà Bối dậy rửa mặt thọ cúng. Nhưng, thầy Tiểu Đà Bối vừa đưa tay ra, bát liền rơi xuống đất, rồi rơi thẳng xuống kim cang đại địa, là cõi nằm sâu cách mặt đất đến 40.000 do-tuần. Thầy Xá-lợi-phất tức khắc vận thần thông lấy bát lên, rồi đưa cho thầy Tiểu Đà Bối ăn; nhưng vị này vừa múc lên muỗng thứ nhất, đưa đến miệng liền bị phi nhân giật chạy; đến muỗng thứ hai lại cũng cùng chung cảnh ngộ như muỗng thứ nhất. Thầy Xá-lợi-phất thấy vậy thương quá nên đích thân dùng thần lực múc cơm đút cho thầy Tiểu Đà Bối ăn. Nhưng miệng thầy Tiểu Đà Bối bỗng dưng ngậm cứng lại, làm cách gì cũng không há ra được. Thầy Xá-lợi-phất lại tiếp tục hiện thần biến muốn làm cho miệng thầy Tiểu Đà Bối há ra, song cũng đành bất lực. Qua một lúc giằng co, mặt trời đã hơi chếch bóng, qua khỏi giờ ngọ. Lúc này, theo giới luật thì vị tỳ-kheo không được ăn gì cả, miệng thầy Tiểu Đà Bối lại mở ra được như bình thường. Thầy Xá-lợi-phất đành chịu thua, liền hỏi thầy Tiểu Đà Bối xem có cần gì khác không. Thầy Tiểu Đà Bối đáp: – Tôi khát nước, xin cho tôi một chút nước! Thầy Xá-lợi-phất mang đến một bát nước, nhưng do nghiệp lực, liền có rất nhiều phi nhân hiện ra lấy tro bỏ vào bát nước, thành bát nước tro. A-la-hán Tiểu Đà Bối biết đây là nghiệp chướng đời trước của mình, bèn an nhiên uống vào một hớp nước tro, sau đó hiển thị thần biến mưa đá, sấm chớp... rồi nhập Niết-bàn. Chư tỳ-kheo đem nhục thân của thầy xây tháp cúng dường. Sau đó, chư tỳ-kheo đến thỉnh vấn đức Như Lai: – Kính bạch đức Thế Tôn! Thầy Tiểu Đà Bối trước đây từng gây tạo ác nghiệp gì mà trong suốt bảy ngày, dù chúng tỳ-kheo thánh tăng đã cố hết sức cũng không thể cứu được? Hơn nữa, tuy là thánh tăng A-la-hán nhưng lại nhập Niết-bàn trong trạng thái đói khát? Ngưỡng mong đức Như Lai từ bi nói rõ nhân duyên cho chúng con được rõ. Đức Như Lai nhìn khắp đại chúng một lượt rồi nói: – Đây đều là do sự chiêu cảm nghiệp lực đời trước của ông ấy. Tất cả nghiệp lực của chúng sinh đều không thành thục ở bên ngoài đất, nước, gió, lửa, mà thành thục ngay trong thân tâm của mình, do đó nên nói rằng: “Dù trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp lành, dữ đã tạo ra đều không mất, chỉ chờ hội đủ nhân duyên là phải tự nhận lấy quả báo.” Rất lâu xa về trước, có hai vợ chồng thí chủ kia, đều hoan hỉ bố thí rộng khắp. Sau khi con của họ lớn lên, người chồng qua đời, vợ ông tiếp tục làm công việc bố thí, song người con không đồng ý, nhiều lần phản đối mẹ: – Lúc cha còn sống thường hay bố thí đã quá nhiều rồi. Chúng ta không được tiếp tục làm như vậy. Mẹ không được mang tài sản trong nhà ra cho người khác. Song người mẹ vẫn cứ phát tâm bố thí rộng khắp như cũ. Vì thế, người con trai rất tức giận. Một hôm, anh ta tàn nhẫn nhốt mẹ vào trong phòng, không cho bà ăn, cũng không cho uống, dự tính để cho bà phải chết đói. Mặc dầu người mẹ van xin khẩn cầu đến ba lần, song anh vẫn không bà một hớp nước, miếng cơm, cũng không thả bà ra ngoài, cứ như vậy liên tục đến 7 ngày. Khi ấy, những bà con, bạn bè của người mẹ nghe biết được chuyện động trời đó liền kéo đến trách mắng, buộc lòng anh phải thả mẹ ra. Lúc này người mẹ chỉ còn chút hơi thở thoi thóp. Những người thân tộc liền hỏi bà: – Bây giờ bà cần gì? Người mẹ gắng gượng nói: – Tôi muốn uống hớp nước! Người con trai nghe vậy liền nghĩ: “Nếu bỏ tro vào nước, bà ấy uống vào nhất định sẽ chết ngay.” Nghĩ là làm, anh ta liền bỏ tro vào nước uống của mẹ. Người mẹ vừa hớp vào liền ngạt thở và qua đời. Này các tỳ-kheo! Người con bất hiếu lúc đó, nay chính là Tiểu Đà Bối. Bởi ông ấy đã từng dùng những thủ đoạn tàn nhẫn như vậy để sát hại mẹ, nên đã bị đọa vào địa ngục đến trăm ngàn kiếp, và khi chuyển sinh đến bất cứ nơi nào cũng đều bị chết vì đói. Tuy đời này là thân cuối cùng, không còn phải luân hồi sinh tử nữa, nhưng vẫn phải uống một hớp nước tro rồi mới nhập Niết-bàn. Ngoài ra, cũng trong Hiền kiếp này, lúc đức Phật Ca-diếp còn tại thế, tuổi thọ con người đến 20.000 tuổi, có hai người con sinh đôi của một vị thí chủ. Khi lớn lên, cả hai đều sinh khởi niềm tin lớn vào giáo pháp của đức Ca-diếp Như Lai, nên cùng phát tâm xuất gia, trở thành đại pháp sư, được rất nhiều người cung kính cúng dường. Trong hai anh em này, một người tâm địa thuần thiện, thường đem những thứ mình có cúng dường lại cho chúng tăng, nhất là thường xuyên cúng dường những vị xuất gia có cuộc sống tương đối khốn khó; còn người kia không những không sinh tâm tùy hỉ mà còn hết sức phản đối: – Thầy không nên cúng dường tất cả những gì chúng ta có cho chúng tăng. Vị pháp sư thuần thiện liền khuyên: – Anh em chúng ta có cuộc sống sung túc, trong khi đó có rất nhiều vị tăng phải sống khốn khó, vậy làm người xuất gia đầy đủ tâm từ bi, có lý do gì mà không phát tâm cúng dường bố thí? Vị kia phản đối không kết quả, không còn biết nói sao, liền nghĩ kế khuyên thầy tỳ-kheo thuần thiện cùng mình đi hoằng pháp ở nơi khác. Thế là, tăng chúng không còn ai cúng dường, cuộc sống trở nên khốn khó. Họ bèn cử người đến thỉnh hai vị đại pháp sư trở về. Sau khi vị pháp sư có tâm hẹp hòi nghe xong liền tức giận, mắng chửi thậm tệ: – Chúng tăng vì muốn được chúng tôi cúng dường mà lẫn trốn đến nơi khác cũng không chịu buông tha. Ta nguyền rủa các ông suốt ngày chẳng có gì ăn uống, cho đến phải đói khát như ngạ quỉ. Vị pháp sư thuần thiện nghe vậy liền khuyên can: – Thầy không nên ác khẩu chửi mắng chúng tăng như vậy, hãy thành tâm sám hối đi. Chính vị kia sau khi nói ra lời như vậy rồi cũng thấy mình không phải, do đó sinh tâm vô cùng hối hận. Trước khi chết, thầy tha thiết phát nguyện sâu xa rằng: – Do nhân lành tu tập trong suốt đời này, xin nguyện cho nghiệp xấu ác khẩu mắng chửi tăng chúng của con sẽ không thành thục; lại nguyện cho sau này được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, sinh tâm hoan hỉ, chứng đắc quả vị A-la-hán. Vị pháp sư hẹp hòi lúc đó, nay chính là tỳ-kheo Tiểu Đà Bối. Do quả báo ác khẩu mắng chửi tăng chúng, ông phải chịu hậu quả 500 kiếp chuyển sinh làm quỉ đói. Sau đó, dù chuyển sinh vào bất cứ cảnh giới chúng sinh nào cũng đều phải chịu nghiệp chết đói. Song nhờ nguyện lực phát ra trước khi chết, mong muốn được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp giải thoát của đức Thích-ca Mâu-ni Thế Tôn, chứng đắc quả vị A-la-hán, nên trong đời này Tiểu Đà Bối đã sinh khởi tâm hoan hỉ với đức Như Lai và giáo pháp giải thoát, sau khi xuất gia lại phá trừ được phiền não trong Ba cõi, chứng đắc quả vị A-la-hán. Đức Phật kể xong nhân duyên nghiệp quả của tỳ-kheo Tiểu Đà Bối, tất cả chư tỳ-kheo đều sinh khởi niềm tin thanh tịnh vào giáo lý nhân quả, nguyện đời đời kiếp kiếp không bao giờ phạm vào các điều ác, luôn tinh tấn tu tập hết thảy các điều lành.
 (Trích từ quyển Những chuyện nhân quả - Pháp sư Thích Hải Đào - Đạo Quang dịch)

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Yết Thị

  Ngoài đường không có đèn. Tối đến, quan phủ doãn đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng ra, quan truyền yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn”
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan hỏi: Ngươi không đọc yến thị à?
- Người kia đáp: Bẩm có đọc.
- Thế sao ngươi không cầm đèn?
- Bẩm có, tôi có đèn.
- Thế sao trong đèn không cắm nến?
- Bẩm yến thị chỉ thấy nói cầm đèn, chớ không thấy nói cắm nến.
- Quan phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến”.
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan lại quở: Đi đêm sao không có đèn có nến?
- Người kia đáp: Bẩm, tôi có đủ đèn đủ nến ạ!
- Thế sao ngươi không thắp nến?
- Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói thắp nến.
- Quan phủ doãn về, mai lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến, nến phải thắp”
- Nhưng hôm sau, nửa đêm quan đi lại vấp phải một người có đèn, có nến nhưng đã thắp hết nến rồi. Quan lại quở.
- Người kia nói: Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến phải tiếp cây nến khác ạ !

Ai thấy chim

Một ông mục sư có nuôi 1 con chim mà ông rất yêu quý. Một hôm, ông không thấy con chim của mình đâu nữa. Ông rất buồn, và cho rằng có người đã bắt được nó. Một sáng chủ nhật, trong buổi lễ, ông mục sư hỏi tất cả :
- Ta có 1 câu hỏi cho các con, và ta yêu cầu các con phải nói sự thật. Các con hãy nghe cho rõ đây : Có ai co 1 con chim không > Tất cả đàn ông trong nhà thờ đứng lên.
Ông biết mọi người đã hiểu sai ý mình, liền tìm 1 cách diễn đạt khác :
- Ý ta hỏi là có ai nhìn thấy chim bao giờ chưa? Tất cả phụ nữ trong nhà thờ đứng lên.
En en èn en… Ông càng lúng túng hơn :
-Không phải, ta muốn hỏi, có ai nhìn thấy con chim không thuộc sở hữu của mình, ví dụ như của nhà hàng xóm?
Một nửa phụ nữ đứng dậy. Không biết diễn đạt thế nào nữa, mục sư lắp bắp hỏi :
- Ta muốn hỏi, có ai đã nhìn thấy con chim của ta bao giờ chưa?
Tất cả các bà sơ liền đứng dậy.

Kiếm tiền với Probox


Kiếm tiền trên mạng 2013: Probux là lựa chọn số 1


Probux là trang PTC tương tự với Neobux, bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2012. Mặc dù là web mới nhưng ngay từ khi đi vào hoạt động, nó đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới MMO trên thế giới. Giao diện thân thiện, dễ làm việc cho tất cả mọi người và một chính sách tương đối tốt cho các thành viên. Quan trọng hơn cả là từ khi hoạt động đến nay, nó vẫn thanh toán đều đặn, mình chưa tìm thấy một ý kiến nào than phiền về việc thanh toán tiền cho các thành viên.
Khi tham gia kiếm tiền với Probux, nếu có một chiến thuật hợp lý, bạn sẽ kiếm được một khoản kha khá từ trang web này
1. Đăng ký thành viên Probux


Bạn Click vào đây để vào trang chủ của Probux hoặc click vào banner bên dưới để đăng ký




Sau đó click vào Register, một mẫu đăng ký hiện lên, bạn điền đầy đủ các thông tin nó yêu cầu, sau khi hoàn thành đăng ký sẽ có một email gửi cho bạn, hãy mở email lên để xác nhận tài khoản (việc đăng ký rất dễ, nếu bạn nào không đăng ký được thì để lại comment, mình sẽ hướng dẫn cụ thể sau).
2. Bắt đầu kiếm tiền với Probux
Probux là trang PTC thuần túy, nghĩa là nó chỉ có một hình thức duy nhất dành cho bạn là click xem quảng cáo để kiếm tiền. Vậy làm sao để kiếm tiền, bạn hãy đọc thật kỹ những nội dung sau:
- Khi bạn mới đăng ký, bạn là thành viên Standard (có thể hiểu là thành viên miễn phí), mỗi ngày bạn đăng nhập vào web, và click vào View Ads nó sẽ hiển thị cho bạn khoảng 10 quảng cáo giá 0.001$ và 4 quảng cáo giá 0.01$, bạn hãy click lần lượt tất cả quảng cáo đó, như vậy mỗi ngày bạn sẽ kiếm được tối thiểu 0.05$, qúa ít phải không, nhưng đừng vội nản, hãy đọc tiếp nhé
- Như đa số các trang PTC khác, Probux khuyến khích bạn giới thiệu người tham gia cùng, khi bạn giới thiệu được người tham gia, mỗi lần click của người ấy bạn sẽ được hưởng 0.0005$, như vậy hãy tích cực giới thiệu người tham gia, càng nhiều càng tốt (số tiền này là probux thưởng riêng cho bạn, không phải lấy tiền của người bạn giới thiệu đâu)
- Nếu bạn không thể giới thiệu được người tham gia thì probux cho phép bạn thuê người click hộ (thường gọi là thuê ref), giá thuê 1 ref là 0.2$/1 tháng.  Trung bình mỗi ngày, ref này click giúp bạn 02 quảng cáo (số click này hoàn toàn có thể đạt được, mình đã kiểm tra rồi), mỗi click của ref này bạn nhận được 0.005$, như vậy 1 ngày bạn kiếm được từ 1 ref là 0.01$, và 1 tháng kiếm được 0.3$, trừ 0.2$ tiền thuê bạn lời được 0.1$/1 tháng. Nếu bạn thuê 100 ref thì 1 tháng bạn lời được 10$. Đây chính là sự khác biệt của probux so với các trang PTC khác vì chỉ là thành viên Standard (miễn phí), với việc thuê ref bạn cũng đã lời được tương đối. Tuy nhiên, khi bạn là thành viên miễn phí, nó chỉ khống chế cho bạn thuê tối đa 300 ref, mỗi lần thuê 100 ref và khoảng cách giữa 2 lần thuê là 7 ngày.
Để có thể thuê ref, bạn phải chuyển tiền vào tài khoản thuê (Rental balance), click vào Add funds và nạp tiền vào đó
2. Chiến thuật kiếm 1200$/tháng
Như đaz nói ở trên, probux hiện nay đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dân MMO trên thế giới và rất rất nhiều người đã đầu tư vào trang này, vì thế rất ít khả năng nó bị scam. Do vậy ta có thể đặt ra một chiến thuật lâu dài để kiếm được tiền từ trang này, hiện nay mình đang thực hiện theo chiến thuật này và kết qủa rất khả quan, xin chia sẻ cùng các bạn.
Để kiếm được nhiều tiền, bạn phải nâng cấp tài khoản, sau khi nâng cấp mỗi ngày bạn sẽ có 8 quảng cáo giá 0.01$, và được hưởng 100% tiền click từ các ref. Cụ thể là: Bạn phải bỏ ra 120$, trong đó 70$ dùng để nâng cấp tài khoản, 40$ dùng để thuê 200 ref, và 10$ dùng để quản lý ref. Ta sẽ tính toán từng tuần một (7 ngay) để thấy có thể lời được bao nhiêu
Tuần 1:  Sau khi đăng ký thành công, hàng ngày bạn đăng nhập và click hết tất cả quảng cáo để làm quen với trang web, đồng thời tích cực giới thiệu bạn bè tham gia.
Tuần 2: Bạn chuyển vào tài khoản thuê ref 30$, dùng 20$ để thuê 100 ref, 10$ còn lại để quản lý ref, số tiền bạn kiếm được trong tuần này từ ref là (7 ngày x 0.01$ x 100ref) = 7$.
Tuần 3: Bạn bỏ ra 70$ để nâng cấp tài khoản và 20$ để thuê tiếp 100 ref. Chú ý: Khi nâng cấp tài khoản bạn được hưởng 100% giá click từ ref, nghĩa là 1 ngày với 1 ref nó click 2 quảng cáo bạn kiếm được 0.02$, và số ref tối đa bạn có thể thuê là 2000
Như vậy tuần này bạn kiếm được là (7 ngày x 0.02$ x 200 ref) = 28$. Bạn hãy thanh toán thử 5$ để kiểm tra, số còn lại chuyển vào tài khoản thuê ref để tiếp tục
Tuần 4: Lúc này trong tài khoản thuê của bạn có 30$, bỏ ra 20$ để thuê tiếp 100 ref, thu nhập từ ref trong tuần này là: 7 ngày x 0.02$ x 300 ref = 42$
Tuần 5: Bạn bỏ ra 40$, trong đó 20$ để thuê 100 ref, 20$ để gia hạn 100 ref ở tuần 2. (từ tuần này trở đi, mỗi tuần bạn phải bỏ ra 40$ để mua và gia hạn ref cho đến khi đạt 2000). như vậy tuần này bạn thu được 56$
Tiếp tục như vậy, sau 10 tuần (2,5 tháng) bạn sẽ có lời, đây là mình mới tính đến thu nhập từ ref ở mức tối thiểu, chưa tính đến thu nhập từ những người bạn giới thiệu tham gia trực tiếp
Sau 20 tuần (5 tháng), bạn sẽ đạt được 2000 ref, lúc đó thì thu nhập 1 tháng của bạn ít nhất là 1.200$. Quan trọng là bạn phải kiên trì, khi đó bạn sẽ được đền đáp xứng đáng
Có 2 vấn đề bạn cần đặc biệt lưu tâm
Một là: Ở tuần 2 mình có nói dùng 10$ để quản lý ref, điều này gần như là bắt buộc vì sau khi thuê, có một số ref lười biếng không chịu làm việc, vì thế ta phải thay bằng một ref khác, đây là kinh nghiệm của rất nhiều người, đừng tiếc số tiền nhỏ mà mất trắng ref mình đã thuê đấy. Theo mình thì nếu ref nào 4 ngày liên tục không click hoặc có AVg thấp hơn 1,5 thì thay nó đi, mỗi lần thay 1 ref bạn mất 0.07$, nhưng bạn đừng lo, số tiền để quản lý 100 ref trong 1 tuần không vượt qúa 5$, sau 1 tuần thì cơ bản bạn đã có 100 ref làm việc tốt rồi, các tuần sau gần như không phải thay gif nữa, mình đã làm rồi
Thứ 2: Để kiếm được tiền từ các ref, mỗi ngày bạn phải click hết toàn bộ quảng cáo giá 0.01$, nếu hôm nay bạn không click thì ngày mai bạn sẽ không nhận được tiền từ click của các ref, điều này bạn phải hết sức để ý, đừng để mất tiền vô ích
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm của mình từ việc kiếm tiền với Probux, hy vọng có thể giúp các bạn có một hướng mới trong việc kiếm tiền trên mạng.
Trong khuôn khổ bài viết, mình đã bỏ qua những bước đơn giản, nhưng đối với các bạn mới chưa quen, có chỗ nào không làm được thì cứ để lại comments, mình sẽ giúp hết khả năng có thể. Mong rằng có thể lập được Hội Probux Việt Nam để cùng giúp đỡ nhau kiếm tiền thêm trang trải cho cuộc sống.
Cuối cùng chúc các bạn kiếm được thật nhiều tiền từ site PTC này.

Hướng dẫn click quảng cáo kiếm tiền với Probux

Sau khi bạn đã Đăng ký và đăng nhập tài khoản Probux thành công, hãy click vào View Ads để bắt đầu click quảng cáo kiếm tiền. Sau khi click vào View Ads, sẽ có rất nhiều Banner quảng cáo xuất hiện cho bạn click như hình dưới (Chú ý: Các banner màu xám là mình đã click xong rồi, còn các banner màu tím là chưa click)



Bạn nhìn thấy phía dưới bên phải của mỗi banner có số $0.001, đó là số tiền bạn sẽ kiếm được sau khi xem 1 quảng cáo($0.001 = 0.001 USD). Bạn hãy click vào một banner quảng cáo, sẽ có cửa sổ mới mở lên, bạn nhìn phía trên bên trái sẽ có hàng chữ sau đó hiện thanh chạy như 2 hình dưới



Bạn hãy chờ nó chạy xong sẽ xuất hiện thông báo như sau


Lúc này hãy đóng cửa sổ đó lại và click banner tiếp theo cho đến khi hết thì thôi
(Chú ý: Bạn phải click xem xong quảng cáo này rồi mới click tiếp quảng cáo khác, không được click xem nhiều quảng cáo cùng một lúc).
Sau khi click hết quảng cáo, hãy bấm My Account để xem số tiền bạn kiếm được tại mục Main balance

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG !



Hướng dẫn đăng ký tai khoản Probux

Sau đây mình sẽ hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký thành viên để kiếm tiền với Probux.
1. Truy cập vào địa chỉ sau: Probux.com
2. Trang chủ của Probux mở ra, bạn click vào Register như hình dưới



3. Một mẫu đăng ký hiện lên bạn điền đầy đủ các thông tin như hình sau:


4. Sau khi click vào CREATE MY ACCOUNTProbux sẽ gửi cho bạn một Email xác nhận, hay mở email đó lên và click vào link xác nhận để xác nhận việc đăng ký của bạn.
5. Sau khi xác nhận xong, hãy truy cập lại vào Probux, click vào Login để đăng nhập vào vào tài khoản bạn vừa đăng ký
- Mục Username: Nhập tên tài khoản của bạn
- Mục Password: nhập mật khẩu
Sau đó click vào LOGIN để đăng nhập
Bây giờ bạn đã có tài khoản Probux và có thể bắt đầu kiếm tiền với nó được rồi.
CHÚC BẠN THÀNH CÔNG !

Girl Sexy-1

IT SO HOOT image image image image image image